Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)https://flis.ussh.edu.vn/uploads/logo-new.png
Thứ bảy - 21/10/2023 03:50
Sáng ngày 20/10/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia”, Khoa Thông tin - Thư viện được giao là đơn vị thực hiện.
Hội thảo diễn ra với mục đích đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành Thông tin - Thư viện và Quản trị thông tin tại Việt Nam và nhận diện xu hướng đào tạo mới trên thế giới. Trên cơ sở đó giúp cho các đơn vị đào tạo nắm bắt xu thế và cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong thực tế. Hội thảo là cơ hội để các đơn vị lao động đề xuất và đưa ra yêu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Hội thảo tổ chức trực tuyến và trực tiếp.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các học giả quốc tế: Giáo sư Sam Oh - Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc; Giáo sư Marat Rakhmatullaev - Đại học Công nghệ Thông tin Tashkent, Uzbekistan; Giáo sư Bülent Yılmaz - Đại học Hacettepe, Cục quản lý thông tin Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Các học giả nước ngoài tham dự Hội thảo dưới hình thức trực tuyến.
Về phía khách mời tham dự trực tiếp, có Thạc sĩ Đào Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; đại diện lãnh đạo các thư viện, các đơn vị đối tác của Khoa TT-TV trong cả nước.
Về phía trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, có PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các phòng: Chính trị và CTSV, Quản lý Nghiên cứu khoa học.
Về phía Khoa TT-TV, có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng Khoa; cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, NCS, học viên cao học, sinh viên đang học tập và làm việc tại Khoa. TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa TT-TV tham dự trực tuyến.
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Trưởng khoa TT-TV; ThS. Trần Đức Hòa - Giảng viên Khoa TT-TV.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đào Thanh Trường nhấn mạnh chuyển đổi số đang ngày càng thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Trong công cuộc chuyển đổi số, ngành công nghiệp thông tin trở thành một trong những ngành quan trọng có tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Với lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của đào tạo: từ việc điều hành, quản lý, đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo đến phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập của thầy và trò. Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, nhu cầu chuyển đổi số cần một nguồn nhân lực về quản trị thông tin và thông tin - thư viện để làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Do vậy, chúng ta phải làm việc cùng nhau để bảo đảm rằng nguồn nhân lực này ở Việt Nam có đủ kiến thức và kỹ năng làm việc tại mọi vị trí trong xã hội; do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để chúng ta không bỏ lỡ cơ hội vàng của “chuyến tàu chuyển đổi số” hiện nay.
Tại Phiên 1 - Báo cáo tham luận, Hội thảo nghe 06 báo cáo tham luận đến từ các học giả nước ngoài và giảng viên của Khoa TT-TV.
Giáo sư Sam Oh, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc đã trình bày tham luận “Đào tạo chuyên gia thông tin” xoay quanh chủ đề quản lý nguồn nhân lực, cách thức trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Điều đó thể hiện vai trò và sứ mệnh của mỗi chúng ta trong việc tiếp cận công nghệ thông tin; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ quá trình lưu trữ thông tin và dữ liệu để tạo ra những dữ liệu và thông tin bình đẳng. Ngoài ra Giáo sư cũng chia sẻ kinh nghiệm của các trường đại học Washington, Michigan của Hoa Kỳ về việc tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh phát triển thông tin mạnh mẽ như hiện nay.
Tham luận của Giáo sư Marat Rakhmatullaev, Đại học Công nghệ Thông tin Tashkent, Uzbekistan với chủ đề “Yêu cầu về nhân lực lĩnh vực dịch vụ thông tin trong chuyển đổi số giáo dục”. Yêu cầu về nguồn nhân lực thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số là quá trình khai thác thông tin để phục vụ cho lĩnh vực giáo dục và các hoạt động xã hội. Hiện nay ở nhiều trường đại học đang thiếu giáo viên công nghệ thông tin để phục vụ cho việc đào tạo. Đối với nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ thông tin đòi hỏi phải có kiến thức, kĩ năng chuyên sâu, phải liên tục cải tiến phương pháp giảng dạy. “Giáo dục bởi xã hội, phục vụ xã hội” là định hướng cho công tác đào tạo, chúng ta cần phải thiết lập được các hệ thống thông tin, đòi hỏi cán bộ phải có năng lực chuyên sâu, luôn cập nhật để định hướng đúng cho người học.
Giáo sư Bülent Yılmaz, Đại học Hacettepe, Cục quản lý thông tin Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ nội dung “Mô hình giáo dục thường xuyên: Khung lý thuyết và các hội thảo khu vực của thư viện công cộng Thổ Nhĩ Kỳ”. Với mô hình thư viện công cộng thì việc giáo dục thường xuyên là cách để đào tạo cho cán bộ thư viện nâng cao năng lực chuyên môn. Trong bối cảnh chuyển đổi số thì việc liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức, khả năng thích nghi với những thay đổi trong tương lai là yếu tố quan trọng.
Ngoài ra Hội thảo còn được nghe báo cáo tham luận của TS. Nguyễn Thị Kim Dung với chủ đề “Vận dụng mô hình ASK đánh giá nguồn nhân lực ngành thư viện Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số”; TS. Trần Thị Thanh Vân với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực Thạc sĩ ngành Thông tin - Thư viện tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn chuyển đổi số” và báo cáo “Năng lực số trong việc phát triển nghề nghiệp của cán bộ thư viện đại học ở Việt Nam” của TS. Bùi Thanh Thủy.
Tại Phiên 2 - Phiên thảo luận, các đại biểu tập trung phân tích nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin.
Bà Trịnh Thu Hà, Phó Quản lý Thư viện (Deputy Senior Librarian) Trường Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ, hiện nay Trường rất khó tuyển được nhân viên thư viện, bởi đặc thù của Trường yêu cầu rất cao về ngoại ngữ. Bà Nguyễn Thuỳ Linh, Giám đốc thị trường khối đại học, Công ty iGroup Việt Nam cũng đồng tình chia sẻ về câu chuyện khó tuyển dụng, có những vị trí mà hơn 1 năm đơn vị vẫn chưa tuyển dụng được. Do vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay, đòi hỏi nguồn nhân lực cần phải có khả năng về ngoại ngữ, thành thạo công nghệ, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, cùng với kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Điều này đảm bảo rằng người lao động có thể đáp ứng được nhu cầu của tổ chức trong việc tận dụng các cơ hội và đối phó với các thách thức trong môi trường số ngày nay. Bà Nguyễn Thanh Hảo, chuyên viên thư viện Trường Đại học VinUni chia sẻ về kinh nghiệm học và nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu công việc; các bạn sinh viên nên cố gắng sống với nghề đã được đào tạo; nên có thái độ, tâm thế sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L chia sẻ về Khung đánh giá năng lực số của các trường đại học ở Anh, trong đó, điều đầu tiên là đánh giá về năng lực số của người lãnh đạo, quản lý và người thực thi; các khóa đào tạo năng lực số có được tổ chức thường xuyên không, có trong chiến lược của trường hay không. Bên cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động sẽ giúp nắm bắt tốt hơn nhu cầu và cơ hội trong thị trường lao động.
Theo ông Lương Ninh, cán bộ Thư viện Quốc gia Việt Nam, hiện là học viên cao học Khoa TT-TV khoá 2022, để đạt được các tiêu chí mà một số ý kiến đã đưa ra trong Hội thảo, thì mặt bằng chung cán bộ thư viện Việt Nam cần phải trải qua quá trình học tập, đào tạo, tự nhận thức rất nhiều. Vì vậy, nên chăng, đơn vị đào tạo cần có những cam kết trong vòng 3-5 năm sau khi ra trường, sinh viên sẽ được kết nối tham dự các cuộc hội thảo, tọa đàm, các lớp bổ sung kiến thức mang tính chủ động (có thể trực tiếp hoặc trực tuyến). Thực tế, không phải sinh viên nào tốt nghiệp xong cũng có chí cầu tiến và có thái độ học tập bổ sung kiến thức tốt. Vậy nên các lớp bổ sung kiến thức chủ động này sẽ là cầu nối để các em tiếp tục được bổ sung những kiến thức mới, như kiến thức về kỹ năng số; chuyển đổi số... Việc cam kết này sẽ mang lại 2 lợi ích, một là, trong công tác chọn trường đại học, sự cam kết này có lợi thế cạnh tranh thúc đẩy cho các em chọn lựa. Hai là, kiến thức mới phát sinh sẽ được giới thiệu đến các cựu học sinh một cách hiệu quả và nhanh nhất.
Sau gần 4 giờ làm việc với tinh thần nghiêm túc, khoa học, Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 20 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế; trong đó có 6 tham luận báo cáo tại Hội thảo và các ý kiến thảo luận đóng góp đều thể hiện sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng, góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo. Các bài tham luận của Hội thảo sẽ được tập hợp, phản biện và xuất bản quốc tế có mã số ISBN.
Tổng kết Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, TS. Nguyễn Thị Kim Dung trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự, viết bài tham luận và phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo; và khẳng định ngành thông tin - thư viện và quản trị thông tin trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang tiến bước hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, chúng ta cần phải duy trì sự đánh giá và cần có sự thích nghi liên tục. Hy vọng rằng những chia sẻ và trao đổi của Hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Xem tất cả hình ảnh buổi hội thảo: Tại đây