– Hiểu một cách đơn giản, quản trị thông tin (QTTT) là gì? Tại sao việc đào tạo đội ngũ nhân lực ngành QTTT là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay?
– QTTT là một ngành khoa học liên ngành về tổ chức và khai thác thông tin bao gồm: thu thập thông tin, xử lý thông tin, tổ chức thông tin và phân phối thông tin tới người dùng sao cho đạt hiệu quả cao nhất tức là cung cấp thông tin đúng nhu cầu, cấp đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng phương tiện.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank) chúng ta đang bước vào nền kinh tế tri thức (KTTT) mà ở đó tri thức và thông tin được sử dụng như một nguồn lực để phát triển kinh tế và xã hội. Tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – APEC khẳng định quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Có thể thấy rằng thông tin đóng vai trò quan trọng trong nền KTTT. Có một thực tế là, trong quá trình chuyển đổi số, tại các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay, những thông tin về khách hàng, sản phẩm, đối tác, đối thủ cạnh tranh, tài chính, nhân lực… hiện chưa được tổ chức một cách tốt nhất, việc thu thập dữ liệu thường xuyên chưa được thực hiện. Do đó, việc đào tạo ra một đội ngũ những nhà quản trị thông tin chuyên nghiệp và chất lượng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
– Là cơ sở đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình đào tạo ngành học này, vậy mục tiêu đào tạo của Trường ĐHKHXH&NV là gì? Đội ngũ giảng viên của Khoa có ưu điểm gì nổi bật?
– Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý thông tin nhằm phục vụ phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể là đào tạo ra những chuyên gia thông tin có tư duy logic và hệ thống, có khả năng hoạch định chiến lược trong việc QTTT cho các doanh nghiệp, các tổ chức hay các cơ quan chính phủ, qua đó biến thông tin thành một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chuyên gia thông tin có năng lực tư vấn xây dựng hệ thống thông tin; biết cách thu thập, đánh giá, phân loại và xử lý, tổng hợp và phân tích, phân phối và quản lý thông tin; đồng thời tư vấn việc khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Tóm lại, chúng tôi hướng tới đào tạo những chuyên gia thông tin trong kỷ nguyên số.
Đội ngũ giảng viên của Khoa có hai nguồn: một là nhóm giảng viên cơ hữu được đào tạo bài bản tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như: Victoria of Wellington, QUT (Australia), RMIT, New South Wales….; hai là nhóm giảng viên người nước ngoài của chính những trường đại học này.
– Chương trình đào tạo cũng như đặc điểm nổi bật nào?
– Đây là chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng xã hội hóa – tức là đào tạo theo nhu cầu của xã hội với chất lượng tiệm cận quốc tế. Chương trình được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo của Trường Đại học Loughborough, Vương quốc Anh. Đặc điểm nổi bật của chương trình là chúng tôi áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến như project-based learning (học theo dự án), blended learning (phương pháp học tập hỗn hợp giữa dạy trên lớp và dạy trực tuyến); 100% môn học được ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; tổ chức học kỳ doanh nghiệp từ cuối năm thứ nhất và triển khai trong suốt quá trình học; 30% môn học chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh; cam kết việc làm với người học.
Cụ thể, học kỳ doanh nghiệp chiếm một lượng lớn trong chương trình, với 20 tín chỉ. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp từ cuối năm thứ nhất để các em có khái niệm về hoạt động thực tế bên ngoài. Như vậy, khi quay trở về trường, do đã hiểu biết ít nhiều về môi trường doanh nghiệp, các em sẽ biết phải học thế nào để đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc. Chúng tôi hy vọng, đến năm thứ 3, sau khi hoàn thành học kỳ thực tập lớn thì sinh viên đã đủ trưởng thành. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các trường đại học ở Úc và dự kiến cho sinh viên học tập dạng 2 cộng 2, nghĩa là 2 năm học trong nước và 2 năm học nước ngoài, hoặc là các em sẽ học một học kỳ doanh nghiệp ở nước ngoài. Về kinh phí, nhà trường sẽ hỗ trợ một phần, phần còn lại sinh viên tự chi trả.
– Phương pháp học qua dự án và thế mạnh của phương pháp học này?
– Triết lý đào tạo của chúng tôi được gói gọn trong chữ COVA: sinh viên là trung tâm của tiến trình học tập, trong đó cho sinh viên được quyền lựa chọn (C- choice), được làm chủ (O – ownership), và được nói lên tiếng nói của mình (V- voice) thông qua những cơ hội học tập trải nghiệm thực tế (A- authentic learning opportunities).
– Trong chương trình đào tạo, tất cả các môn học chuyên ngành, sinh viên đều học theo phương pháp học qua dự án. Phương pháp này khích lệ, hướng dẫn và tạo ra môi trường để sinh viên làm việc cá nhân hoặc theo nhóm với một đề tài nghiên cứu cụ thể. Nghĩa là, giảng viên sẽ giới thiệu, hỗ trợ, dẫn dắt và giúp đỡ các em lựa chọn đề tài để triển khai thành một dự án nghiên cứu nhằm thực hiện môn học. Trong suốt quá trình học, giảng viên sẽ hỗ trợ sinh viên và giúp họ phát huy tối đa khả năng của mình đồng thời chỉ ra những điểm còn thiếu, yếu từ đó trang bị cho họ những hiểu biết toàn diện từ lý thuyết, phương pháp đến những vấn đề mang tính kỹ năng khác. Như vậy, với những môn học khác nhau, với những lĩnh vực, chủ đề khác nhau và bằng sự hỗ trợ của giảng viên khác nhau, sinh viên sẽ được thực hiện nhiều dự án nghiên cứu. Cách giảng dạy này thúc đẩy nhiệt huyết cho sinh viên đồng thời buộc sinh viên phải tham gia một cách rất tích cực, chủ động vào việc học. Nó cũng giúp sinh viên có thể tiếp thu những kiến thức có tính chất lý luận, lý thuyết và gắn nó vào thực tiễn việc thực hiện thực hành một dự án nghiên cứu cụ thể. Đây là phương pháp giảng dạy đang được áp dụng phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới.
– 100% các môn học đều được ứng dụng công nghệ thông tin, vậy cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin ở đây là gì?
– Tất cả các môn học đều được quản lý giảng dạy theo phương pháp blended learning, nghĩa là sinh viên sẽ học cả học trự tuyến (online) và học trên lớp (offline). Nhà trường thiết lập một hệ thống quản lý học tập trực tuyến để triển khai các môn học, trong đó có các công cụ để sinh viên có thể học, trao đổi, tương tác với thầy cô trên nền tảng Internet. Đồng thời chúng tôi cũng chuẩn bị một nguồn học liệu số chất lượng để sinh viên có thể sử dụng trực tuyến phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của mình.
Trong phương thức này, giảng viên vẫn sẽ giảng dạy trên lớp. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có các hoạt động online, một số hoạt động sẽ mang tính tự định hướng và tự học, một số hoạt động sẽ khuyến khích sự hợp tác. Blended learning có nghĩa là vào bất cứ thời điểm nào, sinh viên cũng có thể học ít nhất một phần ở địa điểm học tập bên ngoài trường thông qua mạng và được kiểm soát về thời gian, địa điểm, cách tiếp cận và tiến độ học tập. Sự kết hợp của hướng dẫn trên lớp truyền thống và môi trường kỹ thuật số tạo nên một trải nghiệm học tập thích hợp với mỗi cá nhân, hiệu quả hơn, kết quả thu được tốt hơn. Phương pháp học này mang lại nhiều lợi ích gồm: Tiếp cận với các nội dung chất lượng tốt hơn, liên quan nhiều hơn, khớp hơn theo nhiều dạng; các giờ học trên lớp và cấu trúc chương trình linh hoạt hơn; đáp ứng được nhu cầu học của sinh viên; sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn hướng dẫn, đánh giá và các công cụ kiểm tra giúp điều chỉnh tốc độ và cách học của họ. Blended learning đang nổi lên như một phương pháp chiếm ưu thế trong tương lai . Học theo Blended learning cũng là một hình thực để sinh viên thực hành về quản trị thông tin trong môi trường số.
– Như vậy, sau 4 năm học, sinh viên ngành Quản lý thông tin được trang bị những nhóm kiến thức và kỹ năng gì?
– Về cơ bản, sinh viên ngành Quản lý thông tin được học 4 nhóm kiến thức. Một là khoa học về thông tin tức là phương thức để thu thập, đánh giá, xử lý, tổ chức, phân phối và sử dụng thông tin. Thứ hai là khoa học về quản lý. Các môn học như phân tích hệ thống, tư duy hệ thống, quản trị dự án… sẽ giúp người học có một tư duy logic, đa chiều và tổng quát. Thứ ba là nhóm kiến thức về công nghệ thông tin. Tất nhiên, họ nhất thiết phải giỏi như những sinh viên trường công nghệ thông tin nhưng họ có một nền tảng kiến thức cơ bản về công nghệ thông để làm chủ các công cụ trong việc tổ chức, xử lý, phân tích và phân phối thông tin. Thứ tư là nhóm kiến thức về quản trị kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, có đến 90% sinh viên ra trường làm việc ở các doanh nghiệp và tư duy khởi nghiệp đang rất thịnh hành. Do đó, chúng tôi đã lồng ghép tư duy này vào trong chương trình. Thực tế, quản trị thông tin không chỉ là quản trị thông tin doanh nghiệp mà còn là quản trị thông tin trong tổ chức, trong lĩnh vực công. Tuy nhiên, thời điểm đầu tiên, chúng tôi hướng tới quản trị thông tin doanh nghiệp nhiều hơn, do đó sinh viên phải có kiến thức, năng lực về quản trị kinh doanh.
– Nhà trường liên kết với những cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nào? Điều này tạo điều kiện thuận lợi gì cho sinh viên trong học lý thuyết cũng như thực hành kỹ năng nghề nghiệp?
– Đây là chương trình đào tạo do nhà trường và doanh nghiệp phối hợp thực hiện. Vì vậy doanh nghiệp mà cụ thể là Công ty Đầu tư Bảo Ninh – đối tác chiến lược của chúng tôi sẽ triển khai việc thực tập thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng liên kết với các trường đại học quốc tế để cho sinh viên đi thực tập thực tế tại nước ngoài. Và trong trường hợp sinh viên đủ trình độ ngoại ngữ và có nhu cầu đi du học, Nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các em đi du học tại các trường đào tạo ngành tương tự tại các trường hàng đầu thế giới.
– Nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành này và xu thế trong tương lai?
Sau khi tốt nghiệp ngànhQLTT, cử nhân có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc, trong nhiều khu vực khác nhau. Theo tổ chức, họ có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi chính phủ và các hội nhóm cộng đồng. Theo ngành nghề, họ có thể làm việc trong các lĩnh vực như: quản lý thông tin, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, kinh doanh, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, điều tra xã hội, nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu…
Các vị trí công việc có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 là chuyên viên quản lý thông tin và hỗ trợ kinh doanh gồm: chuyên gia phân tích và thiết kế hệ thống thông tin; chuyên gia tư vấn xây dựng hệ thống thông tin; chuyên gia phân tích quản lý thông tin; chuyên viên phân tích thông tin; chuyên viên phân tích số liệu; chuyên viên phân tích SEO; chuyên viên quản trị nội dung; chuyên viên quản lý thông tin và dữ liệu… Nhóm 2 là chuyên gia quản trị thông tin, cụ thể là giám đốc thông tin trong các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp – dĩ nhiên nhóm này cần phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm và chuyên môn. Nhóm 3 là giảng viên, nghiên cứu viên, tư vấn viên về lĩnh vực quản trị dữ liệu, thông tin và tri thức.
Trong bối cảnh thông tin và nền kinh tế tri thức thì mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều có nhu cầu về QTTT, do đó nhu cầu về nhân lực QTTT sẽ rất lớn.
– Có học bổng của các tổ chức phi chính phủ, chính phủ nước ngoài dành cho sinh viên ngành QTTT không? Nếu có thì số lượng là mấy suất, trị giá, thời gian, yêu cầu đối với sinh viên là gì?
– Chương trình sẽ dành học bổng dành cho những sinh viên giỏi nhất gồm miễn học phí cho thủ khoa và sinh viên xuất sắc mỗi năm. Ngoài ra, các em có cơ hội nhận hơn 10 học bổng từ các tổ chức doanh nghiệp như Học bổng K-T, Nitori, BIDV, Kumho Asiana, Chung-soo, VinGroup, Vừ A Dính, Shinnyo. AEON, Pony Chung, Annex, Yamada, Lawrence S.ting, Giải thưởng KOVA… ngoài ra chúng tôi sẽ hỗ trợ sinh viên tìm kiếm các nguồn học bổng nước ngoài để sinh viên có cơ hội được học tập và trải nghiệm trong môi trường quốc tế.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn