Tọa đàm “Nhân lực quản trị thông tin – nhân tố của cách mạng 4.0”

Thứ hai - 13/11/2017 09:31
​​​​​​​Ngày 11/11/2017, Trường ĐHKHXH&NV phối hợp cùng Công ty TNHH đầu tư Bảo Ninh tổ chức tọa đàm “Nhân lực quản trị thông tin – nhân tố của cách mạng 4.0”.
Tọa đàm “Nhân lực quản trị thông tin – nhân tố của cách mạng 4.0”

Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông: TS. Nghiêm Xuân Huy (Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục ĐHQGHN,ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông), nhà báo Lê Nghiêm (Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Hữu Giới (Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam), ông Lee Yong Deuk (Phó Giám đốc VTC Online, chuyên gia Công nghệ thông tin và Truyền thông Quốc tế), ông Nguyễn Bá (Phó Tổng biên tập báo điện tử Info.net, Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Phan Huy Khôi (Chủ tịch tập đoàn Bảo Ninh Investment), PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường).

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn bày tỏ sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường đối với sự phát triển của ngành Quản trị thông tin trong thời đại cách mạng 4.0. Theo đó, xã hội càng phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ càng cần nguồn nhân lực quản trị thông tin chất lượng cao. Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị luôn đi đầu trong việc đào tạo các ngành học chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, mục tiêu cung cấp nhân lực cho xã hội và doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, với sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, đặc biệt là Công ty TNHH đầu tư Bảo Ninh, Ntrường sẽ tiến hành xây dựng khung chương trình đào tạo ngành học mới – ngành Quản trị thông tin và giao cho Khoa Thông tin Thư viện triển khai đào tạo. Buổi tọa đàm này là bước đệm quan trọng để Nhà trường lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các diễn giả – những chuyên gia, cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông – để đưa ra nội dung chương trình đào tạo không chỉ phù hợp với định hướng phát triển của Nhà trường mà còn phải phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu tại tọa đàm
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu tại tọa đàm

Các đại biểu thảo luận xoay quanh các nội dung chính: Bối cảnh, xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới; Nghiên cứu nhu cầu thị trường lao động, khung năng lực cốt lõi dành cho năng lực quản trị thông tin của nguồn nhân lực quản trị thông tin; Xây dựng chương trình đào tạo và định hướng đầu ra cho nguồn nhân lực quản trị thông tin.

Ông Lee Yong Deuk (Phó Giám đốc VTC Online) mở đầu phần thảo luận với nội dung “Bối cảnh, xu hướng – Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới; yêu cầu về nguồn nhân lực 4.0”
Ông Lee Yong Deuk (Phó Giám đốc VTC Online) mở đầu phần thảo luận với nội dung “Bối cảnh, xu hướng – Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới; yêu cầu về nguồn nhân lực 4.0”

Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng: bản chất của cách mạng công nghệ 4.0 là dựa trên nền tảng tích hợp công nghệ số và tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quá trình, phương thức sản xuất. Các quốc gia, các tổ chức, các doanh nghiệp đều cần đến đội ngũ nhân lực về quản trị thông tin để có thể quản lí và khai thác nguồn thông tin hiện có. Việc quản trị thông tin hiệu quả sẽ mang lại những tác động tích cực cho doanh nghiệp như: tăng thêm giá trị cho các dịch vụ cung cấp tới khách hàng; giảm thiểu rủi ro trong hoạt động; giảm chi phí trong quá trình hoạt động và cung cấp dịch vụ; khuyến khích đổi mới trong quá trình hoạt động trong nội bộ và cung cấp dịch vụ cho bên ngoài.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh thực tế rằng nhiều trường đại học trên thế giới đã đưa vào giảng dạy ngành Quản trị thông tin từ lâu, vì vậy việc mở mã ngành đạo tạo Quản trị thông tin ở Việt Nam là hết sức cần thiết.

TS. Đỗ Văn Hùng (Trưởng Khoa Thông tin Thư viện) với phần trình bày về “Định hướng và hành động – Xây dựng chương trình đào tạo và định hướng đầu ra cho nguồn nhân lực quản trị thông tin”.
TS. Đỗ Văn Hùng (Trưởng Khoa Thông tin Thư viện) với phần trình bày về “Định hướng và hành động – Xây dựng chương trình đào tạo và định hướng đầu ra cho nguồn nhân lực quản trị thông tin”.

Các chuyên gia cũng đưa ra những số liệu, báo cáo nghiên cứu về thị trường lao động để giúp xây dựng khung năng lực cốt lõi dành cho nhân sự ngành Quản trị thông tin. Chương trình đào tạo và định hướng đầu ra cho nhân lực của ngành này hướng tới tính ứng dụng cao, sử dụng phông lí thuyết của nhiều ngành khoa học khác như: Xã hội học, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Khoa học quản lí, Thông tin thư viện, Khoa học dữ liệu, Chính trị học, Báo chí, Truyền thông…

Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị thông tin tại Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng theo mô hình xã hội hoá với sự phối hợp của Công ty Bảo Ninh Investment. Dự kiến CT sẽ được giảng dạy bằng cả hai tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó có 30% môn chuyên ngành sẽ được giảng dạy trực tiếp bằng ngoại ngữ. Khung chương trình, chuẩn đầu ra và phương án tuyển sinh sẽ được Trường ĐHKHXH&NV đề xuất lên Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới.         

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây