Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)https://flis.ussh.edu.vn/uploads/logo-new.png
Chủ nhật - 01/12/2024 04:24
Đó là nội dung trọng tâm trong kết luận của lãnh đạo trường ĐHKHXH&NV tại Hội nghị công tác học sinh sinh viên năm học 2024-2025 do phòng Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (CT&CTHSSV) chủ trì tổ chức vào ngày 29/11/2024.
Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), đại diện lãnh đạo phòng/trung tâm chức năng, lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác sinh viên của tất cả các đơn vị đào tạo.
Hội nghị công tác HSSV là một hoạt động thường niên đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học, đề ra phương hướng hoạt động năm học tiếp theo, cũng là diễn đàn để các phòng chức năng và các đơn vị đào tạo cùng trao đổi, chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề xuất một số giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng của công tác chăm sóc người học trong toàn trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương chia sẻ: “Trong năm học vừa qua, công tác chăm sóc người học đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: quy chế đào tạo đại học thay đổi, cơ sở vật chất, khuôn viên hạn chế, không mở rộng trong khi quy mô sinh viên tăng lên rất nhanh chóng, đối tượng sinh viên thuộc thế hệ Gen Z, rất nhiều điểm khác biệt: chủ động, tự tin, nhưng đòi hỏi về tri thức và chất lượng công tác chăm sóc, nhu cầu khẳng định bản thân cũng cao hơn. Bên cạnh đó sự thay đổi không ngừng của công nghệ cũng đòi hỏi mọi công tác quản lí, chăm sóc người học cần sáng tạo, đổi mới và hiện đại hơn. Với sự nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ phòng chức năng, sự đồng hành của các đơn vị liên quan, đặc biệt sự vào cuộc rốt ráo của lãnh đạo và đội ngũ trợ lí công tác sinh viên tại các đơn vị đào tạo, công tác học sinh sinh viên năm học 2023-2024 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ban lãnh đạo Nhà trường đánh giá cao nỗ lực và cống hiến đó. Tuy nhiên, bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong giáo dục đại học như hiện nay đòi hỏi công tác HSSV cần đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần khẳng định thương hiệu của Nhà trường, thu hút đối tượng người học có chất lượng cao. Vì vậy, trong hội nghị này đơn vị tổ chức mong muốn được lắng nghe những ý kiến chia sẻ thẳng thắn, đề xuất cụ thể từ lãnh đạo các đơn vị và cán bộ phụ trách, tham gia trực tiếp công tác này”.
Tại hội nghị, TS Đinh Tiến Hiếu (Phó phòng phụ trách phòng CT&CTHSSV) đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả đạt được và phương hướng công tác chính trị, công tác HSSV trong năm học 2024-2025. Trong đó nhấn mạnh một số kết quả nổi bật: 99% sinh viên đạt kết quả rèn luyện khá, tốt trở lên, không có sinh viên vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; thực hiện tốt và kịp thời các quyền lợi của sinh viên về trợ cấp khó khăn, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đa dạng các nguồn học bổng khuyến khích học tập, khen thưởng sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Bên cạnh đó, Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần; hàng chục talkshow, toạ đàm hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kĩ năng, tâm lí để sinh viên sẵn sàng tham gia thị trường lao động một cách chủ động, thành công ngay sau khi ra trường; kết nối các nhà tuyển dụng, cung cấp nhiều thông tin việc làm cho sinh viên. Các yêu cầu của sinh viên liên quan thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở phân tích một số mặt còn tồn tại, báo cáo đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chăm sóc người học, trong đó trọng tâm: đảm bảo sự liên thông, kết nối chặt chẽ giữa các phòng chức năng, đơn vị đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác hành chính quản trị; đa dạng các nguồn học bổng và khuyến khích học tập từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước,…
Hội nghị nhận được 10 ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, các ý kiến đều nhất trí với những kết quả, phương hướng và giải pháp được nêu trong báo cáo, đồng thời với kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại đơn vị các đại biểu cũng cởi mở chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp.
PGS.TS Đỗ Văn Hùng (Trưởng khoa Thông tin – Thư viện) chia sẻ kinh nghiệm về “hành trình Ngược Xuôi” của Khoa: “Từ chỗ tuyển sinh rất khó khăn (chỉ khoảng 50 sinh viên/khoá) cho đến những năm gần đây, Khoa TT-TV thường xuyên đạt và vượt chỉ tiêu (trung bình có khoảng 150-160 nhập học) và nằm trong top ngành có điểm tương đối cao. Bên cạnh đó, tỉ lệ học sinh thôi học cũng giảm mạnh. Hành trình đó được tóm tắt trong công thức giản đơn gồm 2D (Develop, Dedicate) và 4C (Connect, Captivate, Care, Commune). Theo tôi, muốn công tác chăm sóc sinh viên thành công, chúng ta phải thực hiện bằng tinh thần cẩn trọng, chu đáo và tận tâm để mỗi thầy cô trở thành những người bạn luôn thấu hiểu, tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ với các em những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Tất cả cán bộ trong Khoa TT-TV đều được quán triệt tinh thần cố gắng xây dựng trường học không chỉ là nơi các em được học tập, phát triển mà còn được lắng nghe, trân trọng và trao quyền”.
Từ góc độ đơn vị đào tạo ngành khoa cơ bản TS Phạm Hoàng Giang (Trưởng khoa Triết học) chia sẻ giải pháp phân loại, cá thể hoá đối tượng người học để có biện pháp đồng hành, hỗ trợ một cách phù hợp và hiệu quả. “Đối với những sinh viên giỏi, có năng lực, đam mê cần chăm sóc, định hướng, hỗ trợ ngay từ khi họ mới vào trường, không chỉ trong lúc họ học tập tại trường mà còn khi họ tốt nghiệp ra làm nghề. Đây không chỉ là hỗ trợ sinh viên hoàn thành việc học tập mà góp phần đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học rất đặc thù như triết học. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên tổ chức các toạ đàm, sinh hoạt chuyên đề để sinh viên biết được tính ứng dụng của ngành học trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống hiện nay, chủ động xác định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân chứ không chỉ bó hẹp trong ngành nghề liên quan trực tiếp tới ngành mà các em được đào tạo. Tăng cường tổ chức các chuyến điền giã, hoạt động ngoại khoá, tạo những sân chơi bổ ích để các em gắn bó thêm với ngành, với khoa, với thầy cô, bạn bè”.
TS Nguyễn Thị Kim Chi (Phó trưởng Khoa KH Quản lí) với kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nhân lực đã phân tích về khoảng cách lớn giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng với năng lực thực tế sinh viên khi ra trường. Trong khi đó tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường là một tiêu chí quan trọng để thu hút người học. TS Kim Chi đề xuất: trong thời gian tới hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần được tổ chức nhiều hơn và hiệu quả hơn, trang bị cho các em kiến thức chuyên sâu, kĩ năng thuần thục, để ngay khi các em chuẩn bị ra trường được các doanh nghiệp săn đón chứ sinh viên không phải loay hoay đi tìm việc như hiện nay. Đồng thời, phải thiết lập một mạng lưới cựu sinh viên, nhà tuyển dụng chung trong toàn trường để cùng chia sẻ nguồn lực, khai thác tốt hơn những cơ hội việc làm, mở rộng cơ hội thực tập thực tế cho sinh viên.
TS Lê Thị Thanh Tâm (Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) đề xuất giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sinh viên, học viên quốc tế: Hiện nay, trung bình một năm, Nhà trường đón hơn 1.000 sinh viên, học viên quốc tế đến học tập và trao đổi. Họ chính là cầu nối, lan toả về giá trị, thương hiệu và nâng cao vị thế của Trường ĐHKHXH&NV trên bình diện quốc tế. Vì vậy, Nhà trường cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, chăm sóc, đãi ngộ với lưu học sinh. Nhà trường nên có bộ phần đầu mối phụ trách công tác quản lí, chăm sóc lưu học sinh để đảm bảo hoạt động được triển khai chuyên nghiệp, tinh gọn và liên thông tốt hơn với cơ quan cấp trên (ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT).
TS Phạm Huy Cường (Giám đốc TT Đảm bảo chất lượng giáo dục): Để có những giải pháp cụ thể và hiệu quả, phần phương hướng hoạt động năm học 2024-2025 báo cáo những phân tích sâu hơn về từng đối tượng người học cụ thể: học sinh, sinh viên, học viên sau đại học, sinh viên, học viên người nước ngoài,… vì mỗi đối tượng lại có những đặc thù riêng nên công tác chăm sóc, hỗ trợ cũng cần có những giải pháp đặc thù.
TS Đào Minh Quân (Giám đốc TT Truyền thông và CNTT) nhấn mạnh việc tăng cường công tác truyền thông để tất cả người học nắm rõ quy chế đào tạo để thực hiện đúng nghĩa vụ nhưng cũng khai thác, sử dụng tối đa quyền lợi trong thời gian học tập tại trường.
Kết thúc Hội nghị, đại diện lãnh đạo Nhà trường PGS.TS Đặng Thị Thu Hương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, đề xuất cụ thể và khả thi từ phía các đơn vị đào tạo, phòng chức năng. Để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác học sinh sinh viên, góp phần vào thành tựu chung chào mừng sự kiện trọng đại 80 năm truyền thống và 30 năm thành lập Trường ĐHKHXH&NV vào năm 2025, Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:
- Phòng Chính trị và CTHSSV tổng hợp, rà soát lại văn bản liên quan công tác HSSV, để có sự thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp, đảm bảo tối đa quyền lợi của người học nhưng đồng thời hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ phụ trách mảng công tác này.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức các hoạt động để phù hợp với người học là công dân thế hệ số; tăng cường công tác truyền thông để đảm bảo tất cả người học các hệ, bậc đều nắm rõ tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi học tập tại trường.
- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, chăm sóc toàn diện về thể chất, sức khoẻ tinh thần cho người học, trong đó trọng tâm khai thác tối đa các nguồn học bổng, hỗ trợ, kết nối định hướng nghiệp nghề và tìm kiếm việc làm cho sinh viên.
- Công tác chăm sóc, hỗ trợ cần phải bao quát toàn bộ người học bao gồm: học sinh, sinh viên trong nước, sinh viên nước ngoài, học viên sau đại học, sinh viên ngành kép,… Tuy nhiên cần phân nhóm cá thể hoá đối tượng để có những nhóm giải pháp chăm sóc phù hợp.
- Tăng cường kết nối giữa các phòng chức năng, các đơn vị đào tạo để đảm bảo sự thông suốt, nhất quán và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người học.
“Để công tác chăm sóc, hỗ trợ người học tiếp tục gặt hái thành công Ban lãnh đạo Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chung sức của toàn thể cán bộ giảng viên. Bởi không chỉ các cán bộ thuộc phòng chức năng, trợ lí công tác sinh viên tại các khoa, mà tất cả các thầy cô cán bộ giảng viên Nhà trường đã, đang và sẽ góp sức mình vào công tác chăm sóc, hỗ trợ người học. Mỗi thầy cô chính là đại sứ thương hiệu gửi đến các em một hình ảnh Nhân văn chuyên nghiệp, hiệu quả nhưng cũng hết sức thân thiện, gần gũi, tình cảm”.
Một số hình ảnh khác: