Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)https://flis.ussh.edu.vn/uploads/logo-new.png
Thứ ba - 03/12/2024 23:08
Sáng ngày 03/12/2024, tại phòng A509, Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, đã diễn ra buổi trao đổi chuyên môn với chủ đề "Xu hướng mới nhất trong các thư viện học thuật".
Sự kiện có sự góp mặt của chuyên gia John HickHok, giảng viên thư viện tại Đại học Bang California, Fullerton. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thư viện học thuật, Ông chuyên về đào tạo và tư vấn thư viện quốc tế, đặc biệt tại châu Á, đã thực hiện nhiều dự án hợp tác với các thư viện và tổ chức giáo dục trong khu vực. Hickok cũng là thành viên Ban điều hành của ALA International Relations Roundtable, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ quốc tế trong lĩnh vực thư viện. Ông đã xuất bản nhiều bài viết và tham gia các hội thảo quốc tế về đổi mới trong hoạt động thư viện và thông tin.
Về phía Khoa Thông tin - Thư viện chủ trì buổi trao đổi có PGS.TS. Đỗ Văn Hùng và sự tham dự của toàn thể cán bộ giảng viên; NCS, học viên và nhiều bạn sinh viên của Khoa.
Tại buổi trao đổi, chuyên gia John HickHok đã chia sẻ các xu hướng hiện đại, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của các thư viện học thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Các nội dung chính bao gồm:
1. Information Commons
Mô hình không gian học tập và nghiên cứu chung đã và đang được triển khai tại các thư viện nổi bật như: Toledo-Lucas County Public Library (Ohio), Hennepin County Public Library (Minnesota), DeKalb Public Library (Illinois), Northeastern University Library (Massachusetts). Đây là giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng không gian để hỗ trợ học tập nhóm và cá nhân, thúc đẩy sự tương tác giữa người dùng. Mục tiêu hướng tới thư viện không chỉ là thư viện mà còn là nơi thể hiện cá tính độc đáo của nó, tạo cho độc giả hứng thú, thoải mái đọc sách và trao đổi. 2. Mobile Phone Technology Chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò của thiết bị di động trong việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, từ việc tìm kiếm tài liệu cho đến sử dụng các ứng dụng thư viện thông minh. Như ở các quốc gia Singapore, Mỹ, Thái Lan họ chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại để tiếp cận tài liệu, thậm chí có thể check in/ out. Thầy Đỗ Văn Hùng cũng đã chia sẻ về chuyến đi New Zealand tham quan các thư viện tại đó và thấy họ đã áp dụng thiết bị di động vào từ rất sớm và rất tối ưu. 3. Videos/ Tutorials Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc có thể tạo ra một video là vô cùng đơn giản, chuyên gia khẳng định việc tạo video để truyền tải tới người dùng là việc chúng ta đã làm được tuy nhiên việc tích hợp video và tài liệu hướng dẫn trực tuyến giúp hỗ trợ học tập từ xa hiệu quả, nhất là với các sinh viên hoặc người học không thể đến thư viện trực tiếp thì chúng ta vẫn còn đang trong quá trình thực hiện.
4. Virtual Collections Các thư viện hiện nay đang đầu tư vào việc xây dựng bộ sưu tập trực tuyến, cho phép người dùng truy cập tài nguyên mọi lúc, mọi nơi. Theo như thầy Đỗ Văn Hùng chia sẻ, Việt Nam đã thực hiện công tác số hóa thư viện từ năm 2010 nhưng việc tra cứu trực tuyến vẫn chưa sử dụng được. 5. Technology Nâng cấp công nghệ và quy trình quản lý tài liệu nhằm mang lại sự tiện lợi và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Ở Singapore, họ sử dụng robot để quản lý tài liệu, chúng đi từng hàng sách và quét ID trên từng quyển sách đó. Ở Việt Nam, chúng ta sử dụng máy đo độ ẩm để bảo vệ tài liệu và đo mức độ đông của không gian để bảo quản tài liệu tốt hơn. 6. Marketing/ Promotion Chiến lược quảng bá không chỉ còn được áp dụng trong thương mại, việc quảng bá sáng tạo thư viện giúp nâng cao nhận thức và thu hút người dùng đến với thư viện. Nhiều quốc gia đã áp dụng và sử dụng chiến lược quảng cáo từ sớm, như ở Nhật họ dán trên thang máy, hay một vài các quốc gia khác họ quảng bá bằng cách in ấn trên quần áo, hay thậm chí đích thân giám đốc thư viện đi mời bánh độc giả trong thư viện, hay thư viện cũng là nơi nên duyên của một cặp đôi nào đó,... và vô vàn các sự kiện sáng tạo khác nhau. Tại Việt Nam, các sự kiện sáng tạo để quảng bá thư viện ngày một nhiều, tuy nhiên, cũng cần phải cẩn thận khi quảng bá nếu làm quá thì sẽ không ổn. 7. Reference/ Instruction Tại Việt Nam, các cán bộ thư viện là những người có cái nhìn bao quát và tổng thể về các mảng lĩnh vực trong thư viện, nhưng nếu như chuyên sâu để có thể tư vấn cho người dùng khi cần thì vẫn chưa làm được. Nhưng hiện tại chúng ta đang hướng tới mô hình đó, từ đó cải thiện trải nghiệm hướng dẫn và người dùng có thể được cung cấp thông tin hữu ích nhất. 8. Library Space Planning Không gian thư viện cũng là một yếu tố quan trọng để tăng trải nghiệm người dùng. Thiết kế không gian thư viện hiện đại không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học tập, mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Một không gian quá kín khó có thể kết nối với những người dùng khác trong khi xu hướng thế giới là hội nhập và mong muốn được kết nối.
Buổi trao đổi chuyên môn không chỉ mang đến những góc nhìn sâu sắc về các xu hướng mới nhất trong thư viện học thuật mà còn là cơ hội để các giảng viên, sinh viên và những người làm công tác thư viện tại Việt Nam học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế của chuyên gia John Hickok. Qua những chia sẻ giàu tính thực tiễn và tâm huyết của ông, sự kiện đã góp phần mở ra những ý tưởng mới, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực thông tin – thư viện, đồng thời củng cố vai trò của thư viện học thuật trong việc hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu.