Tham dự còn có các diễn giả: PGS.TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng Khoa Thông tin thư viện Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc Gia Hà Nội; TS. Kim Mạnh Tuấn - Giảng viên Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Đặng Hải Lộc - Chuyên gia nghiên cứu về NLP & AI, tham gia cố vấn, phát triển nhiều giải pháp trong phân tích, giám sát thông tin.
Về phía đại biểu, khách mời có đại diện lãnh đạo Cục Công tác đảng và công tác chính trị - Bộ Công an; đại diện lãnh đạo thư viện các học viện, nhà trường CAND; đại diện Hiệp hội Thư viện các trường đại học khu vực Phía Bắc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; các Học viện, trường CAND đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, công tác giảng dạy, học tập, công tác phục vụ nhằm xây dựng nhà trường thông minh.
Trong thời đại mà công nghệ trở thành nhân tố chủ đạo định hình mọi lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên những tác động sâu sắc, đặc biệt trong quản trị thư viện. Các thư viện hiện đại không còn chỉ là nơi lưu trữ tri thức mà đã phát triển thành những trung tâm kết nối, hỗ trợ học thuật, nghiên cứu và sáng tạo.
Việc ứng dụng AI giúp tự động hóa các quy trình công tác, nâng cao hiệu quả quản lý tài liệu, đồng thời mang lại những trải nghiệm thông minh và tiện ích cho người dùng. Các công nghệ như tìm kiếm thông minh, chatbot hỗ trợ, hệ thống phân tích dữ liệu và cá nhân hóa dịch vụ đã và đang thay đổi cách thức thư viện hoạt động, mang lại giá trị vượt trội trong việc phục vụ cộng đồng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá thực trạng, sự cần thiết việc ứng dụng AI trong công tác tổ chức quản lý và các hoạt động chuyên môn của thư viện. Trên cơ sở những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND, các đại biểu cũng lưu ý một số điểm trong quá trình triển khai ứng dụng AI trong công tác quản trị thư viện, bao gồm: (1) Các thư viện cần phải lựa chọn các giải pháp AI phù hợp với quy mô và nhu cầu cụ thể của đơn vị, tránh lãng phí nguồn lực vào các công nghệ không thật sự cần thiết; (2) Việc đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện là yếu tố quyết định để việc triển khai, ứng dụng AI thành công, có hiệu quả; (3) Các thư viện cần có các biện pháp bảo vệ dữ liệu chặt chẽ, đồng thời tuân thủ các quy định pháp lý về bảo mật thông tin của Nhà nước và ngành Công an; (4) Dù AI mang lại nhiều lợi ích, nhưng vai trò của con người trong thư viện vẫn vô cùng quan trọng. Các cán bộ làm công tác quản trị thư viện sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên sâu và giải quyết những tình huống phức tạp mà AI không thể thay thế…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Đại tá, TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: các ý tưởng và giải pháp được chia sẻ trong buổi tọa đàm sẽ là nền tảng quan trọng để định hướng các bước phát triển tiếp theo, góp phần xây dựng một hệ thống thư viện hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học viên Học viện CSND trong thời gian tới. Kết quả của buổi tọa đàm cũng giúp hệ thống thư viện các trường CAND có cơ hội kết nối mạnh mẽ hơn, xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ để cùng nhau phát triển.
Tác giả bài viết: Học viện CSND
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn