Tập Văn tịch là đề tài khoa học cấp quốc gia, tên đầy đủ là "
Nghiên cứu và xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: Tập Văn tịch", là một nhiệm vụ thành phần thuộc nhiệm vụ khoa học đặc biệt biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam. Tập Văn tịch đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện trong thời gian 3 năm kể từ thời điểm cuối năm 2020. Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Khoa Thông tin - Thư viện là hai đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường - Chủ nhiệm tập Văn tịch đang tập huấn cho các chuyên gia
Mục tiêu của nhiệm vụ:
Tập Văn tịch hướng tới kiểm kê và mô tả các loại hình văn tịch của Việt Nam hiện đang tồn tại ở Việt Nam, xuất phát từ điểm nhìn hiện nay, tham chiếu các yếu tố lịch sử cần thiết như là quá trình lịch sử đã tác động đến văn tịch hiện tồn. Cụ thể:
- Nghiên cứu và xây dựng được Tập Địa chí Quốc gia về Văn tịch Việt Nam phù hợp với các yêu cầu về quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam
- Xây dựng được nội dung của Tập Văn tịch theo các định hướng nội dung: hiện trạng và đặc điểm của các loại hình văn tịch mang tính đại diện và đặc trưng của Việt nam theo hướng bao quát các loại văn tịch của tất cả các dân tộc Việt Nam trên toàn quốc; Các quan điểm, chính sách, tổ chức, thiết chế xã hội... gắn với văn tịch Việt Nam; Các hoạt động, nhân vật, sự kiện, vấn đề, hiện tượng... về văn tịch Việt Nam...
- Xây dựng được bộ tư liệu biên soạn nội dung Tập Văn tịch, đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam.
Cấu trúc phân Quyển
Tập Văn tịch gồm 3 Quyển:
- Quyển 1: Thiết chế và đời sống văn tịch: trình về về chính sách văn tịch, các cơ quan, tổ chức về văn tịch, các loại hình văn tịch, tạo tác và xử lí văn tịch, xuất bản và phát hành văn tịch, lưu trữ văn tịch, phổ biến và sử dụng văn tịch, chức nghiệp trong hoạt động văn tịch, các giải thưởng và thành tựu văn tịch, trong đó lưu ý trình bày chung về văn tịch của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
- Quyển 2: Văn tịch truyền thống: Trình bày về văn tịch truyền thống từ các khía cạnh: tác giả và công trình nghiên cứu văn tịch truyền thống tiêu biểu, tác gia văn tịch truyền thống, thư tịch truyền thống các dân tộc thiểu số, châu bản triều Nguyễn, văn bia, văn chuông, văn khánh, mộc bản, ấn chương, và lựa chọn biên mục theo thể loại địa chí những đơn vị văn tịch truyền thống tiêu biểu, có giá trị cao, đã và đang được khai thác phục vụ đời sống xã hội, văn hoá xưa nay.
- Quyển 3: Văn tịch hiện đại: Mô tả văn tịch hiện đại từ các khía cạnh: công trình nghiên cứu văn tịch hiện đại, lựa chọn biên mục theo thể loại địa chí những đơn vị văn tịch hiện đại tiêu biểu, có giá trị cao, đã và đang được khai thác phục vụ đời sống xã hội, văn hoá xưa nay.
Cấu trúc phân Chương và Mục
Câu trúc Phân chương và phân Mục của Tập Văn tịch gồm với tổng dự kiến: 66 Chương, 2.740 Mục, 3.810 trang, cụ thể:
- Quyển 1 dự kiến có 13 Chương, 585 Mục, 1380 trang.
- Quyển 2 dự kiến có 19 Chương, 1.062 Mục, 1.270 trang.
- Quyển 3 dự kiến có 34 Chương, 1.093 Mục, 1.160 trang.
Toàn cảnh buổi tập huấn
Ý nghĩa và Lợi ích của đề tài
-
Đối với hoạch định chính sách và quản trị quốc gia: Xây dựng một nội dung chuyên môn mang tính chỉnh thể về văn tịch Việt Nam, làm cơ sở để kiểm kê và đánh giá về nền văn hiến (tư liệu sách vở) của nước nhà tích luỹ được từ trong quá khứ và tồn tại đến ngày hôm nay; cho thấy văn tịch là một phương thức quan trọng để quản lí quốc gia, thể hiện bản lĩnh tri thức và bản lĩnh văn hoá ở tầm quốc gia trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế.
-
Đối với nghiên cứu khoa học: Tư liệu và tri thức mang tính hệ thống và toàn diện về văn tịch truyền thống và văn tịch hiện đại ở Việt Nam, có giá trị khoa học, giá trị tra cứu, giá trị tổng kết, tiếp cận được các phương pháp nghiên cứu thư mục học tiên tiến.
- Đối với phổ biến tri thức: cung cấp thông tin đầy đủ, xác thực, góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về văn tịch Việt Nam; góp phần nâng cao dân trí, phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế.
-
Đối với giáo dục và đào tạo: phục vụ hoạch định và thực hiện chính sách giáo dục truyền thống trong bối cảnh hiện đại, tạo sự cân bằng và liên tục về tri thức từ truyền thống đến hiện đại; nội dung mô tả về thư tịch góp phần cung cấp các thông tin tri thức để đào tạo và phát triển các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn.