Họp định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ

Thứ năm - 06/05/2021 07:13
Chiều ngày 6/5/2021 PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học đã có buổi làm việc với tập thể Khoa Thông tin - Thư viện về hoạt động Khoa học của đơn vị, với mục tiệu thúc đẩy hoạt động khoa học của Khoa đáp ứng với nhu cầu phát triển của Khoa và Nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tại buổi làm việc TS. Đỗ Văn Hùng trưởng Khoa đã trình bày những kết quả nổi bật về hoạt động khoa học của đơn vị, đồng thời tổng quan định hướng nghiên cứu lớn của Khoa giai đoạn 2020-2030. Trong đó có hai hướng chính là Thông tin - Thư viện và Quản trị thông tin theo xu thế liên ngành.
Tại buổi làm việc Ban lãnh đạo và các giảng viên của cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế còn tồn tại trong hoạt động Khoa học để cùng nhau đưa ra phương án khắc phục trong thời gian tới.
1

PGS.TS Đào Thanh Trường đánh giá cao định hướng phát triển khoa học của Khoa, đồng thời đưa ra những gợi ý quan trọng cho đơn vị trong thời gian tới:
  • Thành lập nhóm nghiên cứu mới theo hướng liên ngành, liên khoa trong và ngoài trường để tận dụng thế mạnh của các đơn vị
  • Tìm kiếm các hợp tác nghiên cứu khoa học đối với các địa phương trong cả nước, có nguồn đối ứng hợp tác
  • Chú trọng xuất bản trong nước: tìm các tạp chính có khả năng xuất bản, sẵn sàng hỗ trợ để ra các số chuyên đề cho Khoa
  • Phối hợp với các nhà xuất bản uy tín quốc tế để đặt hàng theo số và cùng phối hợp để xuất bản. Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa
  • Tìm kiếm cơ hội trong các chương trình lớn mà Nhà trường đang theo đuổi: chương trình KHXH&NV trong bối cảnh chuyển đổi số
2

Các định hướng nghiên cứu lớn của Khoa đến 2030

Định hướng cho lĩnh vực thông tin - thư viện

1 - Hướng nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số: chuyển đối số trong lĩnh vực giáo dục có tác động trực tiếp đến hoạt động thư viện, vì thư viện là một thành tố quan trọng của một đơn vị đào tạo. Do vậy những chuyển đổi về phương pháp, mô hình và triết lý đào tạo sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực thư viện. Thư viện đóng vai trò trong tiến trình thúc đẩy chuyển đối số của các cơ sở đào tạo.
Nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư vào hoạt động của thư viện, nghiên cứu hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số, định vị vai trò và vị trí của thư viện và khoa học thư viện dưới tác động của chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2 – Hướng nghiên cứu về mô hình thư viện thông minh, trung tâm tri thức số và đổi mới sáng tạo: Vai trò của thư viện không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu mà là trung tâm chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu mô hình thư viện là nơi thúc đẩy tạo ra tri thức mới, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ với hàm lượng tri thức cao, lấy yếu tố thông tin/dữ liệu và con người làm trọng tâm.
Các mô hình thư viện mới: thư viện xanh, thư viện chung cư, thư viện trong các trung tâm phát hành sách, thư viện trong khu chế xuất, khu resort.
3 - Nghiên cứu xây dựng khung năng lực cho cán bộ thư viện, chuyên gia thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số: chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ dành cho cán bộ thư viện và chuyên gia thông tin ở các bận cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đánh giá lại các chương trình đào tạo, trên cơ sở đó cập nhật và xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
4 - Vai trò của thư viện trong phát triển bền vững: thư viện đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng sẽ tham gia sâu hơn vào tiến trình đạt mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và liên hợp quốc. Do vậy cần triển khai nghiên cứu triển khai các sản, phẩm dịch vụ và các hoạt động chuyên môn sâu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cộng đồng.
5 - Truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở: mô hình truy cập mở đến tất các các nguồn tài nguyên thông tin trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dữ liệu của chính phủ
6 - Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa đọc: Các nghiên cứu nhằm thúc đẩy văn hóa đọc cho các đối tượng cụ thể trong xã hội, góp phần nâng cao văn hóa đọc quốc gia: nghiên cứu hành vi người dùng, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thông tin, thúc đẩy phong trào đọc sách.
7 – Trắc lượng thư mục: ứng dụng phân tích số lượng bài báo khoa học, phân tích trích dẫn bài báo này và mối liên hệ giữa các bài báo, các tác giả và lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Định hướng cho lĩnh vực quản trị thông tin

1 - Quản trị thông tin doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số: vai trò và cấu trúc của hệ thống thông tin doanh nghiệp; quy trình về thu thập, xử lý và tổ chức và khai thác thông tin trong doanh nghiệp, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, biến thông tin thành nguồn lực phát triển của mỗi, tổ chức, doanh nghiệp.
2 - Quyền tiếp cận thông tin và an ninh thông tin: Nghiên cứu ứng dụng hai văn bản luật: Luật tiếp cận thông tin và Luật an ninh mạng; đánh giá mối liên hệ giữa cảm nhận hạnh phúc với quyền thông tin (xây dựng thang đo, đánh giá các trường hợp nghiên cứu trên những nhóm đối tượng cụ thể); an toàn và an ninh thông tin trên môi trường mạng của cá nhân, tổ chức.
3 - Khung năng lực số dành cho các đối tượng khác nhau trong: nghiên cứu xây dựng khung năng số dành cho học sinh, sinh viên, người làm việc trong khu vực công, khu vực tư.
4 - Nghiên cứu hành vi người dùng: nghiên cứu biến đổi hành vi thông tin của con người trong môi trường số, nhu cầu thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.
5 - Ứng dụng dữ liệu lớn trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong kinh doanh, trắc lượng các công bố khoa học.
6 - Nhân văn số: nghiên cứu vấn đề bảo tồn và số hóa các di sản văn tự cổ; xây dựng các kho lưu trữ số tài liệu về khoa học xã hội và nhân văn; phát triển các công cụ nhận diện và xử lý văn bản, âm thanh, hình ảnh; xây dựng các công cụ kết nối và khai thác tri thức nhân văn số.
7 - Truyền thông xã hội: sử dụng lý thuyết truyền thông xã hội và dữ liệu lớn để phân tích hình vi người dung sử dụng mạng xã hội, quan điểm của cộng đồng về các vấn đề xã hội hiện đại.
8 – Nghiên cứu ứng dụng các hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quản lý và ra quyết định cả khu vực công và khu vực tư.
9 – Nghiên cứu triển khai xây dựng chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành quản lý thông tin.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây