Kiến thức thông tin – nhìn từ góc độ phát triển ngành thư viện Việt Nam

Thứ năm - 16/07/2020 00:25
Các nguồn thông tin đa phương tiện, các tài liệu dưới dạng giấy vẫn hàng ngày tăng theo cấp số nhân. Điều này tất yếu dẫn đến tính phức tạp và diện phong phú của nguồn tin. Vấn đề đặt ra là: làm sao kiểm soát được lượng thông tin khổng lồ đang ngày càng gia tăng một cách chóng mặt? làm sao kiểm soát được chính chính xác và độ chân thực của thông tin? Hơn thế nữa, chính do thế giới thông tin đang ngày trở nên phức tạp, xu thế liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xuất hiện, sự xuất hiện mạnh mẽ của rất nhiều kênh thông tin đã khiến cho con người gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu thông tin của chính họ. Hơn lúc nào hết, họ cần có một công cụ để tiếp cận và làm chủ thế giới thông tin một cách hiệu quả.
19/5/2015

TS. Nghiêm Xuân Huy

Trường ĐH KH Xã hội & Nhân văn, ĐH QG Hà Nội


1. Tính cần thiết của kiến thức thông tin

Theo Hiệp hội các thư viện Đại học và thư viên nghiên cứu Mỹ (ACRL, 1989), kiến thức thông tin là sự hiểu biết và một tập hợp các khả năng cho phép các cá nhân có thể “nhận biết thời điểm cần thông tin và có thể định vị, thẩm định và sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu quả” [12].

Cần hiểu rõ rằng kiến thức thông tin không chỉ đơn thuần là những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm thông tin (xác định nhu cầu thông tin, xây dựng các biểu thức tìm tin, lựa chọn và xác minh nguồn tin), mà bao gồm cả những kiến thức về các thể chế xã hội và các quyền lợi do pháp luật quy định giúp người dùng tin có thể thẩm định thông tin, tổng hợp và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.

Cũng theo Hiệp hội Các thư viện chuyên ngành và các trường đại học Hoa Kỳ (ACRL, 1989), người có kiến thức thông tin là người “đã học được cách thức để học. Họ biết cách học bởi họ nắm được phương thức tổ chức tri thức, tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin, do đó những người khác có thể học tập được từ họ. Họ là những người được đã chuẩn bị cho khả năng học tập suốt đời, bởi lẽ họ luôn tìm được thông tin cần thiết cho bất kỳ nhiệm vụ hoặc quyết định nào một cách chủ động”.[12]
Vậy, với những đặc điểm và tính chất như trên, kiến thức thông tin đóng vai trò như thế nào trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay? Đâu là vai trò của ngành thông tin thư viện trong việc phát triển kiến thức thông tin? Sự bùng nổ thông tin toàn cầu, nhu cầu học tập độc lập và học tập suốt đời, và sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức chính là những nhân tố quan trọng giúp khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của kiến thức thông tin.

1.1. Sự bùng nổ thông tin

Trước hết, cần phải thấy rõ tác động to lớn của sự bùng nổ thông tin trong thời đại mà ai cũng có thể phổ biến thông tin qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Internet. Có một thực tế là ngày nay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể đưa các ý tưởng và thông tin của mình lên Internet. Chưa kể đến các nguồn thông tin đa phương tiện, các tài liệu dưới dạng giấy vẫn hàng ngày tăng theo cấp số nhân. Điều này tất yếu dẫn đến tính phức tạp và diện phong phú của nguồn tin. Vấn đề đặt ra là: làm sao kiểm soát được lượng thông tin khổng lồ đang ngày càng gia tăng một cách chóng mặt? làm sao kiểm soát được chính chính xác và độ chân thực của thông tin? Hơn thế nữa, chính do thế giới thông tin đang ngày trở nên phức tạp, xu thế liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xuất hiện, sự xuất hiện mạnh mẽ của rất nhiều kênh thông tin đã khiến cho con người gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu thông tin của chính họ. Hơn lúc nào hết, họ cần có một công cụ để tiếp cận và làm chủ thế giới thông tin một cách hiệu quả.

Những thách thức như trên khiến cho nhu cầu về kiến thức thông tin trở nên cấp thiết hơn bao giờ. Nói cách khác, để nắm bắt và thu được ích lợi từ thế giới thông tin, các cá nhân và tổ chức cần phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề phát triển kiến thức thông tin. Kiến thức thông tin đặc biệt hữu ích cho con người trong việc tự điều chỉnh bản thân và năng lực tư duy sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, giúp con người tự mình cập nhật và tiếp nhận tri thức mới một cách dễ dàng và chủ động.

1.2. Nhu cầu học tập độc lập và tự học suốt đời

Tác giả Cropley (1997) cho rằng giáo dục học tập suốt đời gắn với việc tạo cho mỗi người cơ hội học tập một cách có hệ thống và có tổ chức ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của họ [4]. Curtain (2001) khẳng định học tập suốt đời gắn liền với vấn đề “an toàn nghề nghiệp” trước sức ép từ sự toàn cầu hóa. Tác giả này cho rằng:

Học tập suốt đời, hiểu theo nghĩa rộng, có thể tạo lập một cơ sở để các cá nhân có thể quản lý tốt hơn những rủi ro về nghề nghiệp; giúp chính phủ và tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cá nhân đảm bảo nghề nghiệp của mình. Một chiến lược học tập toàn diện cho phép tối đa hóa các cơ hội học tập có thể được chứng thực thông qua những lợi ích mà nó đem lại cho nên kinh tế, các tổ chức doanh nghiệp, và cho chính mỗi cá nhân. [5]

 Hơn thế nữa, có một thực tế không thể phủ nhận là: ngày nay, các hoạt động học tập đang diễn ra không chỉ tại các cơ sở đào tạo, mà còn có thể được tổ chức tại nhà riêng, cộng đồng, các địa điểm giải trí, nơi làm việc, thông qua các phương tiện truyền thông, bạn bè và các mối quan hệ khác. Đó chính là cơ sở cho sự ra đời của “xã hội học tập” – nơi mà người học có toàn quyền tự do lựa chọn trang bị cho mình phương thức học tập của riêng mình trên cơ sở vô số cơ hội học tập mà họ có thể có được (nhu cầu tự định hướng). Và một trong những nhân tổ chủ chốt cấu thành nên khả năng tự định hướng đó chính là kiến thức thông tin (theo tác giả Candy). Khả năng tự định hướng và tự thích nghi chính là yếu tố đặc biệt quan trọng để mỗi cá nhân có thể phát triển một cách bền vững và tích cực trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động. Xu thế xã hội cho thấy việc thay đổi nghề nghiệp trong cuộc đời mỗi con người ngày càng diễn ra phổ biến và tất yếu. Điều này đòi hỏi mỗi người cần có khả năng tiếp cận và làm việc với những lĩnh vực kiến thức mới một cách hiệu quả. Sẽ là nguy hiểm nếu như mọi người coi việc học tập chính quy của mình là công cụ cứu cánh duy nhât cho sự nghiệp của mình, đồng thời bỏ qua việc tiếp cận và áp dụng những tri thức mới liên quan đến công việc và cuộc sống cá nhân của mình. Có thể nói, kiến thức thông tin chính là chìa khóa xây dựng nên một “xã hội học tập”.

1.3. Sức ép từ nền kinh tế tri thức

Ngân hàng Thế giới (2003) đã có một tổng kết hết sức quan trọng như sau:

 Những thay đổi trong nền kinh tế tri thức nhanh tới mức các công ty không còn phụ thuộc duy nhất vào đội ngũ nhân lực mới tốt nghiệp để có được các kỹ năng và kiến thức mới. Các trường đại học và các cơ sở đào tạo khác do đó cần phải chuẩn bị cho người học khả năng học tập suốt đời. Các hệ thống giáo dục không thể tiếp tục hướng vào các kỹ năng tác nghiệp cụ thể được nữa mà cần đặt trọng tâm vào việc phát triển cho người học những kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề và dạy cho người học cách thức tự học và học từ người khác. [9]

Điều này dẫn đến những khác biệt rõ nét giữa lực lượng lao động của nền kinh tế tri thức với lực lượng lao động của nền kinh tế công nghiệp truyền thống. Dưới đây là phần tổng kết của tác giả Brödner (2000) [13]

Đặc điểm Kinh tế truyền thống Kinh tế tri thức
Đối tượng tương tác Hàng hóa & dịch vụ Tri thức hữu hình và tri thức tiềm ẩn
Hình thức tương tác Trao đổi Chia sẻ
Mục đích của tương tác Tái phân phối sản phẩm và dịch vụ Sự gia tăng của tri thức
Hiệu quả xử lý Chuyên môn hóa Chuyên môn hóa và phổ biến
Kết quả Năng suất Khả năng đổi mới
Bước xử lý kế tiếp Thao tác độc lập Tiếp thu và tái hiện
Mô hình tương tác Cạnh tranh là chủ yếu Hợp tác là chủ yếu

Chính những sự khác biệt đó đã đòi hỏi người lao động của nền kinh tế tri thức cần có khả năng lựa chọn và xử lý thông tin một cách thông minh và hiệu quả nhằm tạo ra tri thức mới cũng như biết cách chia sẻ tri thức. Hơn thế nữa, với kiến thức thông tin, con người còn có thể kiểm soát được các nguồn thông tin quanh họ, xử lý và tiếp nhận những khái niệm và tri thức mới, đồng thời tự điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với những hoàn cảnh sống và điều kiện làm việc mới. Với ý nghĩa như vậy, có thể nói, kiến thức thông tin chính là phần tri thức không thể thiếu được của con người trong điều kiện kinh tế – xã hội mới.

Tóm lại, kiến thức thông tin chính là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu trong bối cảnh xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Mỗi quốc gia cần phải có một chiến lược phát triển kiến thức thông tin phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và giáo dục của mình nhằm tạo ra một lực lượng lao động có khả năng thích ứng và tính sáng tạo cao. Đây cũng chính là khẳng định của tác giả Alan Bundy (2003) khi ông cho rằng kiến thức thông tin được xem như một hệ kiến thức nền tảng, và do đó các chính phủ cần phải xây dựng các chính sách và chiến lược thông tin phù hợp, lấy kiến thức thông tin là nhân tố cốt lõi. Tác giả này cũng kêu gọi các nhà giáo, nhà khoa học, và các nhà quản lý giáo dục ngay bây giờ nên thống nhất coi kiến thức thông tin như là ưu tiên đầu tư cao nhất về mặt sư phạm và nguồn lực.[1]

2. Cơ sở triển khai kiến thức thông tin – nhìn từ góc độ Việt Nam

2.1. Những yêu cầu xuất phát từ sự phát triển kinh tế – xã hội.

Gần đây, chính phủ Việt Nam đã thông qua những quyết sách phát triển kinh tế xã hội quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực thông tin. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2004), trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, giáo dục và nhân tố con người được đặc biệt chú ý thông qua tuyên bố: “đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát huy hơn nữa nhân tố con người” [10]. Trong số 9 kế hoạch cụ thể, việc triển khai kiến thức thông tin đã được gián tiếp hỗ trợ thông qua khẳng định “tiếp tục cải cách và đổi mới sâu sắc và toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phổ cập hóa giáo dục phổ thông; ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác giáo dục và đào tạo; phát triển kinh tế tri thức” [10]. Đó chính là những cơ sở quan trọng cho việc triển khai kiến thức thông tin tại Việt Nam. Rõ ràng, để bắt kịp với trình độ phát triển của thế giới cũng như nắm bắt và áp dụng những thành tựu công nghệ mới vào việc phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam cần có một kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp, trong đó kiến thức thông tin cần được xem như là một nhân tố chủ chốt.

2.2. Nhu cầu đổi mới hệ thống giáo dục

Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định cần phải đổi mới hệ thống giáo dục. Mục đích là nhằm nâng cao hơn nữa khả năng học tập suốt đời cho mọi công dân; đào tạo ra lực lượng lao động có khả năng tiếp cận và giải quyết công việc một cách chủ động, sáng tạo và linh hoạt. Điều này đã được cụ thể hóa thông qua chiến lược phát triển nhân lực tổng thể của Việt Nam như sau: “nâng cao chất lượng giáo dục; cơ cấu lại hệ thống giáo dục và mở rộng phạm vi giáo dục ở tất cả các cấp độ; gắn liên giáo dục đào tạo với nghiên cứu khoa học và công nghệ; phát triển giáo dục, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; nâng cao trình độ dân trí và trình độ quản lý” [10]. Rõ ràng, để đạt được mục tiêu chiến lược đó, Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến việc phát triển kiến thức thông tin.

2.3. Lĩnh vực thông tin thư viện ngày càng được chú ý đầu tư.

Ngân sách đầu tư cho ngành thông tin thư viện ngày càng được gia tăng đáng kể. Hầu hết các cơ quan thông tin thư viện, đặc biệt là các thư viện đại học, đang trong giai đoạn hiện đại hóa và tự động hóa. Các nhà quản lý và các tổ chức doanh nghiệp bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của các cơ quan thông tin – thư viện. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần (Vụ Thư viện), khoảng 80 tỷ đồng đã được đầu tư vào một dự án nâng cấp Thư viện Quốc gia. Bên cạnh đó, nhận thức của các nhà lãnh đạo về vai trò của ngành thông tin thư viện cũng đang ngày một đúng đắn và toàn diện. Theo đó, cho tới năm 2004, đã có thêm 9 thư viện tỉnh mới được xây dựng với ngân sách khoảng 62,4 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,7 triệu USD). Cho tới năm 2003, đã có khoảng 94 thư viện huyện được tái lập trên cả nước. Rất nhiều dự án xây mới và nâng cấp thư viện đã và đang được triển khai ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Kiên Giang …[8]

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng trong bối cảnh mới, hệ thống thư viện công cộng cũng đã không ngừng đổi mới, trong đó đặc biết chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin. Cho tới năm 2004, 32 dự án hiện đại hóa các thư viện tỉnh, tương ứng với số tiền là 43 tỷ đồng đã được thông qua và triển khai. Những dự án này hướng vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, ứng dụng các phần mềm quản trị thư viện mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Các nguồn thông tin được bổ sung đang ngày càng trở nên đa dạng với nhiều loại hình tài liệu khác nhau. Bên cạnh đó, các phương pháp phục vụ mới như kho mở, OPAC; các hoạt động tiếp thị sản phẩm và dịch vụ thông tin cũng đã bắt đầu được đưa vào triển khai, giúp đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc.

Rõ ràng, đã có rất nhiều những thay đổi đáng kể trong hoạt động thông tin – thư viện tại Việt Nam, đặc biệt là sự tăng cường ngân sách phát triển hệ thống thư viện. Do đó, các thư viện và cán bộ thư viện đang có một cơ hội lớn để chứng tỏ vai trò của mình cũng như thu hút sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, tính hiệu quả của sự đầu tư đó chỉ được đảm bảo nếu như việc đào tạo người dùng tin được quan tâm một cách đúng mức và triển khai hiệu quả. Điều quan trọng là các thư viện và các cơ sở đào tạo cần chú ý nhiều hơn nữa đến việc trang bị cho người dùng tin và người học kiến thức thông tin. Đó chính là chìa khóa để đổi mới hình ảnh của thư viện và người cán bộ thư viện trong bối cảnh xã hội thông tin và kinh tế tri thức.

3.4. Cơ sở hạ tầng thông tin – thư viện đang được mở rộng và nâng cấp mạnh mẽ.
Việt Nam có một mạng lưới thư viện rộng khắp trên cả nước, từ cấp xã, huyện, cho tới tỉnh, thành phố, vùng, và quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện trường học, thư viện đại học cũng hết sức phong phú và đa dạng. Số liệu thống kê từ Hội thảo về “Nhu cầu bạn đọc và hoạt động xuất bản” năm 2004, ViệtNam có khoảng 20 ngàn thư viện, bao gồm hệ thống thư viện công cộng,thư viện chuyên ngành, thư viện trường học. Tương ứng với đó là khoảng 100 triệu đầu sách. Bên cạnh đó, mạng lưới thư viện phục vụ nông thôn cũng không ngừng được phát triển, mỗi năm có khoảng trên 1000 thư viện cấp xã được xây dựng. [7]

Từ những con số như trên, có thể thấy rằng thư viện đang dần trở thành một phần không thể thiếu được của cộng đồng. Những đòi hỏi từ sự phát triển kinh tế, phát triển cá nhân, và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thư viện đã tác động tích cực đến nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của thông tin và bản thân hệ thống thư viện. Đây chính là điều kiện hết sức quan trọng để triển khai các chương trình kiến thức thông tin. Tuy nhiên, những khái niệm về thư viện, về kiến thức thông tin vẫn còn khá mới mẻ với không ít người dân sống tại nông thôn, hoặc vùng sâu vùng xa. Do đó, tùy theo đặc điểm của mỗi nhóm người dùng cần phải triển khai một chương trình kiến thức thông tin phù hợp.

2.5. Những thay đổi và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin và các hoạt động thông tin đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Hiểu rõ được điều này, Việt Nam cũng đã xây dựng dự án quốc gia về phổ cập công nghệ thông tin và thiết lập mạng lưới tri thức trẻ, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đứng ra triển khai. Mục tiêu của dự án này là nhằm phổ biến rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ mới; giúp đỡ thanh niên tự mình tổ chức các dịch vụ máy tính và Internet; hỗ trợ nhu cầu thông tin liên lạc, thu thập và sử dụng tri thức mới của người dân. Dự án chú trọng hỗ trợ nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung khoảng 80% dân số Việt Nam, nơi mà người dân rất ít có cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin và tri thức mới. Trong giai đoạn đầu, tiểu dự án “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở các khu vực vùng sâu vùng xa” đã được triển khai ở 4 tỉnh là: Bắc Kạn, Lai Châu, Yên Báo, và Thái Nguyên”. Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Tổng công ty VIEC, Vietkey Group, công ty VDC , Trung tâm đào tạo tin học PT, và Báo Tuổi trẻ cũng đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ thông tin dành cho thanh niên nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, chương trình “Máy tính Thánh Gióng” cũng đã được triển khai từ tháng 6/2004. Với sự tham gia của các hãng máy tính lớn như Intel, Hewlett Packard, LG Electronics, Microsoft, Samsung, Seagate, VDC, CMC, và FPT, cũng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân sống ở nông thôn. Tất cả những hoạt động trên chính là sự chuẩn bị tích cực cho việc triển khai một dự án khác mang tên “Kỹ năng máy tính và Nối mạng tri thức”.

Cùng với dự án Thánh Gióng, rất nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ của xã hội. Những tác động của các dự án như trên đối với đời sống người dân là hết sức đáng kể. Tuy nhiên, có một điểm dễ nhận thấy là các dự án như trên mới chỉ chú trọng chủ yếu đến phát triển hạ tầng công nghệ (phần cứng, phần mềm, truy cập Internet) cũng như các kiến thức liên quan đến sử dụng thành thạo máy tính. Chắc chắn hiệu quả của những sự đầu tư như trên sẽ được nâng cao hơn lên nếu như người dân được trang bị cả kiến thức liên quan đến việc khai thác, thẩm định và sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Nói cách khác, kiến thức thông tin cần phải được tích hợp vào các chương trình phổ cập tin học. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là thời cơ quan trọng để triển khai các chương trình kiến thức thông tin tại Việt Nam.

3. Đề xuất một số giải pháp hỗ trợ triển khai kiến thức thông tin tại Việt Nam.

3.1. Chính sách giáo dục lấy người học làm trung tâm.
Đây không còn là điều mới mẻ nhưng luôn nóng hổi tính thời sự đối với Việt Nam. Theo xu thế phát triển chung, người học cần phải có được những cơ hội để tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin một cách tích cực và hiệu quả, việc học tập phải dựa trên nguồn tài liệu (resource-based learning) và hướng vào hiệu quả giải quyết vấn đề (problem-solving based learning) và học tập độc lập. Điều này đỏi các cơ sở đào tạo cần phải tích hợp kiếnthức thông tin vào các chương trình đào tạo của mình. Liên quan đến vấn đề này, tác giả P. Moore (2002) đã cho rằng động cơ thúc đẩy kiến thức thông tin tại các cơ sở đào tạo xuất phát từ 4 hướng: những người chịu trách nhiệm triển khai các dịch vụ thư viện, các nhà giáo dục, các nhà kinh tế, các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như những hỗ trợ về mặt chuyên môn của họ [6]. Việc tạo ra một cái nhìn hài hòa về kiến thức thông tin, mối liên hệ bền vững giữa những người tán thành và những người có liên quan là đặc biệt quan trọng.

3.2. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan thông tin – thư viện.

Các thư viện cần phải chứng tỏ được vai trò và khả năng của mình trong việc phát triển cộng đồng. Điều quan trọng nhất đó là mục tiêu hoạt động của thư viện cần phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Chẳng hạn, khi đề cập đến hệ thống thư viện đại học, P. S. Breivik và E.G. Gee [2] cho rằng các thư viện phải điều chỉnh cho phù hợp với môi trường năng động và sự đổi thay trong nhu cầu của trường đại học. Vấn đề không phải là họ có thay đổi không, mà là họ sẽ thay đổi như thế nào. Sự thống nhất giữa mục tiêu của thư viện với nhu cầu của cộng đồng khiến cho vai trò của thư viện trở nên nổi bật, và chúng thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng. Chính điều này khiến cho việc triển khai các chương trình kiến thức thông tin trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

3.3. Nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ cho người học.
Các cơ quan giáo dục và đào tạo (các trường phổ thông, đại học) cần phải có một chiến lược hợp lý nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho người học. Lí do cho điều này là: thông tin mà người dùng sẽ tiếp cận phần lớn là bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh (theo Globalsearch, có đến 68% thông tin trên Internet là bằng tiếng Anh), đồng thời phương tiện để họ tiếp cận thông tin cũng chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh (máy tính, các phương tiện truyền thông). Trên thực tế, tiếng Anh và kỹ năng tin học đã được giảng dạy khá phổ biến tại các trường học của Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đào tạo này chưa thật sự cao, tỷ lệ người học tự tìm kiếm và sử dụng các nguồn thông tin bằng ngoại ngữ còn thấp. Đây là một cản lực đáng kể cho việc triển khai các chương trình kiến thức thông tin. Giải quyết được điều này chính là chúng ta đã thành công đáng kể trong việc thúc đẩy triển khai kiến thức thông tin tại Việt Nam.

3.4. Xây dựng và phát triển bộ khung chuẩn về kiến thức thông tin.

Cần thiết phải xây dựng một bộ khung chuẩn quốc gia về Kiến thức thông tin dựa trên những đặc thù về hành vi thông tin và hệ thống giáo dục của Việt Nam. Khung chuẩn này chính là cơ sở để các cơ quan giáo dục đào tạo, cũng như các cơ quan thông tin thư viện có thể xây dựng cho riêng mình những chương trình kiến thức thông tin phù hợp. Hơn thế nữa, nó giúp cho việc triển khai kiến thức thông tin tại Việt Nam trở nên đồng bộ và có hệ thống.

Kết luận

Kiến thức thông tin vẫn đang trong giai đoạn đầu nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Mặc dù có không ít khó khăn và trở ngại trong việc triển khai, nhưng nhu cầu về kiến thức thông tin là hết sức khẩn thiết. Chính những sức ép từ sự phát triển kinh tế xã hội, từ những kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực, và từ nhu cầu cải cách nền giáo dục đã khiến cho chúng ta cần phải tính đến và xem xét kiến thức thông tin như là nhân tố cốt lõi cho các chương trình thông tin quốc gia, cũng như cho các quyết sách phát triển giáo dục.

Trong việc đào tạo kiến thức thông tin, vai trò của các cơ sở đào tạo và các cơ quan thông tin thư viện là đặc biệt quan trọng. Nếu như coi trường học là nơi cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, thẩm định và tổng hợp thông tin, thì thư viện chính là nơi cung cấp các dịch vụ thông tin, đào tạo cho người dùng kỹ năng tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin, sử dụng thông tin đúng pháp luật và hợp đạo đức. Nói cách khác, hai loại hình cơ quan như trên gắn bó với nhau một cách hữu cơ trong việc trang bị kiến thức thông tin cho mọi người. Hiệu quả của các chương trình kiến thức thông tin phụ thuộc chính vào sự phối kết hợp giữa các cơ quan thông tin thư viện và các đơn vị đào tạo.

Có thể nói việc đào tạo và phát triển kiến thức thông tin trong cộng đồng sẽ là sứ mệnh trong tương lai gần của các hệ thống thư viện. Kiến thức thông tin là một giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của cộng đồng cũng như xây dựng một xã hội học tập. Chính vì thế, việc triển khai các chương trình kiến thức thông tin sẽ cần có sự phối hợp tác của nhiều bộ phận, tổ chức xã hội. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là thời cơ để ngành thư viện Việt Nam khẳng định được vị thế của mình, chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong hệ thống kinh tế xã hội.

 

Tài liệu tham khảo

1. Alan Bundy ed. (2004), Australian and New Zealand Information Literacy Framework, 2nd ed., Adelaide: Australian and New Zealand Institute for Information Literacy, p. 3-4

2. Breivik P. S. and Gee E. G. (1989), Information literacy: revolution in the library, London: Collier Macmillan Punlishers

3. Grassian E. S and Kaplowitz J. R. (2001), Information literacy instruction: theory and practice, New York: Neal-Schuman Publishers Inc.

4. Cropley, A. J. (1977) Lifelong Education: A Psychological Analysis, Oxford/Hamburg, Pergamon Press/Unesco Institute for Education.>

5. Curtain, R. (2001) Lifelong learning – What does it mean?, truy cập ngày 30/5/2005, tại

6. Moore P. (2002), An Analysis of Information Literacy Education Worldwideảituy cập ngày 14/11/2004, tạihttp://www.nclis.gov/libinter/infolitconf&meet/papers/moore-fullpaper.pdf

7. Ngọc Thủy (2004), Hội thảo Khoa học “Nhu cầu bạn đọc và hoạt động xuất bản”, truy cập ngày 11/11/2004, tại

8. Nguyễn Thị Ngọc Thuần (2004) Hệ thống thư viện công cộng Toàn quốc: Hiệu quả, đa dạng và thiết thực, viewed 12/11/2004, available at

9. WorldBank (2003) The Knowledge Economy and the Changing Needs of the Labor Market. Lifelong learning in the global knowledge economy : challenges for developing countries. TheWorld Bank.

10. Bộ Kế hoạch và đầu tư (2004), Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, truy cập ngày 13/11/2004, tại

11. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Du an Thanh Gióng, truy cập ngày 11/11/2004, tại

12. ACRL (2000) Information Literacy Competency Standards for Higher Education, Chicago, Association of College and Research Libraries.

13. Brödner, P. (2000) The Future of Work in a Knowledge-Based Economy. ICT/CIREM International Seminar on “Economy and Work in the Knowledge Society“. Barcelona.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây