Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)Chia sẻ thành công, kết nối đam mê
Tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”
Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)http://flis.ussh.edu.vn/uploads/logo-new.png
Chủ nhật - 06/04/2025 00:18
Ngày 04/04/2025, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Buổi tọa đàm là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong tiến trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về tài nguyên giáo dục mở.
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ thông tin, thư viện, pháp lý và chính sách công... đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định. Khoa Thông tin – Thư viện có sự tham dự của PGS. TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa.Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ thông tin, thư viện, pháp lý và chính sách công... Các tham luận tại buổi tọa đàm tập trung làm rõ bối cảnh, lý do và cơ sở pháp lý của việc xây dựng Nghị định như: sự cần thiết của tài nguyên giáo dục mở trong việc hỗ trợ phổ cập giáo dục và tăng cường khả năng tiếp cận học liệu cho người học; khoảng trống pháp lý trong hệ thống hiện hành, khẳng định sự cần thiết phải có một khung pháp lý riêng điều chỉnh về OER; các khía cạnh pháp lý về sở hữu trí tuệ, cấp phép mở, và cơ chế bảo hộ tài nguyên, cho thấy đây là một vấn đề đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan; kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất chính sách.
Trong tham luận “Quy trình thẩm định và công bố tài nguyên giáo dục mở: Đảm bảo chất lượng, hài hòa quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan”, PGS.TS. Đỗ Văn Hùng – Trưởng Khoa Thông tin – Thư viện đã trình bày đề xuất một quy trình thẩm định và công bố tài nguyên giáo dục mở tinh gọn và thực tiễn, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái OER hiệu quả, minh bạch và bền vững. PGS.TS. Đỗ Văn Hùng – Trưởng Khoa Thông tin – Thư viện đã trình bày tham luận “Quy trình thẩm định và công bố tài nguyên giáo dục mở: Đảm bảo chất lượng, hài hòa quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan”
Theo PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, trong bối cảnh chuyển đổi số và học tập suốt đời ngày càng được đề cao, việc bảo đảm chất lượng, độ tin cậy và tính pháp lý của các tài nguyên giáo dục mở đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Một quy trình thẩm định – công bố rõ ràng không chỉ giúp đảm bảo chất lượng học liệu, mà còn bảo vệ quyền lợi tác giả, hạn chế rủi ro pháp lý và tăng khả năng tiếp cận của người học.
Tuy nhiên, đánh giá dự thảo Nghị định hiện hành, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại nhiều sự chồng chéo giữa các khâu thẩm định và công bố, gây khó khăn cho các cơ quan triển khai và thiếu sự liên kết xuyên suốt. Để khắc phục hạn chế đó, PGS.TS. Đỗ Văn Hùng đã đề xuất một quy trình thẩm định – công bố 7 bước tích hợp.
Một điểm nhấn trong bài trình bày là việc xác định 5 nhóm chủ thể tham gia hệ sinh thái OER, bao gồm: Nhóm sáng tạo nội dung; cung cấp hạ tầng và công nghệ; Người dùng cuối; Quản lý nhà nước và pháp lý và Các tổ chức hỗ trợ. Mỗi nhóm đều có quyền và nghĩa vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm bảo vệ chất lượng, quyền sở hữu và hiệu quả khai thác tài nguyên. PGS.TS. Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh: “Cần xác lập nguyên tắc hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ, giữa bảo vệ tác giả và tạo điều kiện tối đa cho người học được tiếp cận, sử dụng, chia sẻ OER một cách linh hoạt và sáng tạo”. Bài trình bày kết thúc bằng loạt khuyến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường liên kết giữa các bên liên quan và đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, nhân lực và truyền thông cho OER. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển một nền giáo dục mở, hiện đại và phù hợp với xu thế giáo dục toàn cầu.
Buổi Tọa đàm đã ghi nhận nhiều báo cáo chất lượng, nhiều ý kiến đóng góp xác đáng và thiết thực. Các đại biểu đều thống nhất rằng Nghị định về tài nguyên giáo dục mở sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển xã hội học tập và hội nhập với xu hướng toàn cầu về giáo dục mở. Kết luận Tọa đàm, Ban Tổ chức ghi nhận và đánh giá cao tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu. Những ý kiến này sẽ là nguồn tham khảo quan trọng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, hướng tới một hệ sinh thái giáo dục mở, bền vững, vì người học và sẽ được tổng hợp, phân tích, chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định, mở ra hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và tiên tiến cho tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam.