Chuyên gia truyền thông tại các thư viện trường học

Thứ năm - 16/07/2020 00:26
Chuyên gia truyền thông thư viện trường học (CGTTTVTH) là người đóng vai trò kết nối cộng đồng học tập tại một trường học, nơi có sự tham gia của học sinh, giáo viên, những nhà quản lý, và phụ huynh học sinh trong môi trường học tập lấy nền tảng là sở thích, nhu cầu của người học với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Chuyên gia truyền thông thư viện trường học sẽ phát triển kiến thức, kỹ năng, sản phẩm, và dịch vụ cho người dùng thư viện nhằm tăng cường khả năng truy cập tới tài liệu vật lý và tài nguyên thông tin số hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
11/5/2015

Bài báo được đăng trong tạp chí Thư viện VN, số 2 (53), tháng 3/2015


ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung

Khoa Thông tin – Thư viện

Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

1. Sự xuất hiện của chuyên gia truyền thông thư viện trường học

Sự xuất hiện của chuyên gia truyền thông thư viện trường học được coi như kết quả tất yếu của quá trình phát triển thư viện trường học trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông đã tác động sâu sắc đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và xu thế này cũng không phải là ngoại lệ đối với thư viện trường học. Tác động của xu thế này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, một trong những hiện tượng phổ biến nổi lên đó là sự xuất hiện của các trung tâm truyền thông tại thư viện các trường phổ thông. Các trung tâm này tập trung vào 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, cung cấp tài nguyên thông tin cần thiết cũng như các thức tiếp cận khai thác tài nguyên thông tin này cho cán bộ và học sinh, phục vụ chủ yếu cho hoạt động dạy và học; Thứ hai, hỗ trợ thư viện trong việc tham gia vào việc định hướng, lên kế hoạch và cùng thực thi chương trình đào tạo của nhà trường thay vì chỉ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ một cách thụ động theo định hướng và chương trình của nhà trường. Thập niên những năm 90 được coi là giai đoạn phát triển công nghệ nhanh chóng của các trung tâm truyền thông thư viện trường học trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ (Morris, 2004). Trong những năm này, các trung tâm truyền thông thư viện đã hỗ trợ đắc lực cho việc tự động hóa hoạt động của các thư viện trường học cùng với sự ứng dụng phổ biến internet. Cán bộ phụ trách công việc của trung tâm này thường được gọi với tên là chuyên gia truyền thông thư viện trường học. Các chuyên gia truyền thông thư viện đóng vai trò kết nối giữa học sinh, giáo viên, các nhà lãnh đạo trong trường, thậm chí cả các vị phụ huynh học sinh với nguồn tài nguyên thông tin của thư viện (Morris, 2004). Cụ thể, họ đảm trách 3 vai trò chính: Giáo viên, chuyên gia thông tin và tư vấn chỉ dẫn, hỗ trợ học sinh.

Tại Việt Nam, vai trò của thư viện tại các trường phổ thông ngày càng được coi trọng và được quan tâm nhiều hơn, đây cũng có thể coi là điều kiện tiệm cận đến sự xuất hiện của cán bộ truyền thông thư viện trường học. Ở nước ta, thư viện trường học còn được hiểu là Thư viện trường phổ thông hay thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông, phục vụ tài nguyên hỗ trợ chủ yếu cho hoạt động dạy – học trong trường. Loại hình thư viện này có số lượng lớn nhất trong số các loại hình thư viện phổ biến ở nước ta, như: Thư viện Quốc gia, Thư viện công cộng, Thư viện đại học, Thư viện chuyên ngành. Theo số liệu thống kê của Nhà xuất bản giáo dục, năm 2010, toàn quốc có 27541 trường học, trong đó, số trường có thư viện lên đến 24146 trường (Phạm Thị Thành Tâm, 2012; Nguyễn Kim Phương, 2003). Vai trò của thư viện trường học cũng đang dần được khẳng định trong việc hỗ trợ đắc lực trong công tác đào tạo của trường trong việc phục vụ tài nguyên thông tin hỗ trợ cho việc dạy và học của cán bộ, học sinh trong trường đạt kết quả đề ra. Hơn nữa, nhận thức được vai trò quan trọng của thư viện trường học, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thư viện được coi là một trong số những tiêu chí quan trọng để xem xét và đánh giá chất lượng của một trường học đạt chuẩn (Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT). Tuy nhiên, thư viện xét về tương quan so với hệ thống thư viện trường học trong khu vực và trên thế giới, hệ thống thư viện trường học ở Việt Nam vẫn còn tụt hậu và tồn tại rất nhiều bất cập. Những bất cập dễ nhận thấy như sau: thiếu đồng bộ trong hệ thống; năng lực cán bộ thư viện hạn chế; sở sở vật chất nghèo nàn; nguồn lực thông tin hạn chế; kinh phí hoạt động khiêm tốn; … (Nguyễn Thanh Thủy, 2006; Vũ Kiệt, 2013). Ý thức được những vấn đề trên, các thư viện trường học ở Việt Nam đang từng bước khắc phục những tồn tại, khó khăn nhằm cải thiện thực trạng và bắt kịp tiến trình phát triển chung. Sự thay đổi thể hiện ngay từ trong nhận thức về vai trò chủ động và quan trọng của thư viện trong các trường học cho đến việc thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm thay đổi tình hình như đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, nhân lực, nguồn lực thông tin, tài chính (Nguyễn Xuân Hòa, 2012). Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại các thư viện trường học thuộc cách thành phố là có sự xuất hiện của trang thiết bị công nghệ thông tin, và phổ biến nhất là máy tính và đường truyền Internet (Lê Văn Viết, 2003). Theo kết quả của một cuộc khảo sát năm 2012, tại địa bàn Hà Nội, có tới 83% thư viện các trường phổ thông được trang bị ít nhất 1 máy tính và đường truyền internet phục vụ việc quản lý và khai thác thông tin của học sinh và giáo viên (Nguyễn Thanh Hằng, 2003). Bên cạnh đó nhiều thư viện còn được trang bị phòng máy tính vừa phục vụ công tác khai thác thông tin, vừa phục vụ việc thực hành các kỹ năng liên quan đến máy tính.

Đôi nét thực trạng trên cho chúng ta thấy khoảng cách về trình độ phát triển nói chung giữa hệ thống thư viện trường học trong nước và hệ thống thư viện trường học trong khu vực cũng như trên thế giới là rất lớn, ý tưởng về việc hình thành một trung tâm truyền thông thư viện trường học tại các trường còn xa vời và sự xuất hiện của chuyên gia truyền thông tại các thư viện trường học vẫn còn khá xa lạ với thực trạng thư viện trường học ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển hướng đến việc đề cao vai trò của truyền thông đa phương tiện và vai trò của chuyên gia truyền thông tại các thư viện nói chung và thư viện trường học nói riêng đang trở nên phổ biến tại các nước trên thế giới, thì việc ý thức rõ vai trò và trách nhiệm cán bộ truyền thông tại các thư viện trường học là tiền để để thư viện phát triển, bắt kịp với xu hướng toàn cầu.

2. Chuyên gia truyền thông thư viện trường học là gì?

Chuyên gia truyền thông thư viện trường học (CGTTTVTH) là người đóng vai trò kết nối cộng đồng học tập tại một trường học, nơi có sự tham gia của học sinh, giáo viên, những nhà quản lý, và phụ huynh học sinh trong môi trường học tập lấy nền tảng là sở thích, nhu cầu của người học với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Chuyên gia truyền thông thư viện trường học sẽ phát triển kiến thức, kỹ năng, sản phẩm, và dịch vụ cho người dùng thư viện nhằm tăng cường khả năng truy cập tới tài liệu vật lý và tài nguyên thông tin số hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Người cán bộ CGTTTVTH thường thực hiện 4 nhiệm vụ chính (Morris, 2004):

  • Là cán bộ thông tin – thư viện (còn có thể hiểu là chuyên gia thông tin): phân tích, đánh giá và xác định chính xác nhu thông tin của người dùng tin, đồng thời xác định và cung cấp chính xác nguồn tài nguyên thông tin và dịch vụ thông tin tương ứng với nhu cầu tin của học sinh và cán bộ trong trường. Đặc biệt, khi làm việc trong môi trường chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự phát triển công nghệ thông tin, người cán bộ thông tin – thư viện cần phải làm chủ được các nguồn tài nguyên thông tin điện tử/số trong và ngoài trường nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tin đa dạng của người dùng tin.
  • Là một giáo viên: đào tạo và trang bị cho đối tượng người dùng tin, đặc biệt là học sinh các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và tiếp cận thông tin như: truy cập, đánh giá, và sử dụng linh hoạt, chính xác nhiều nguồn tin khác nhau để học tập, lĩnh hội tri thức một cách hiệu quả; dạy học sinh biết cách sử dụng thông tin để tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Các kiến thức và kỹ năng này sẽ là cơ sở hình thành nên kiến thức thông tin và thói quen học tập suốt đời của học sinh.
  • Tư vấn chỉ dẫn và hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý: xác định rõ mối liên kết giữa nội dung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra đào tạo, nhu cầu thông tin của học sinh và các nguồn tin, trên cơ sở đó, tư vấn cho đội ngũ quản lý đào tạo về chiến lược và tầm nhìn, phát triển nội dung chương trình đào tạo, đồng thời hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng thông tin để có thể thực hiện thành công yêu cầu của chương trình đào tạo này. Chính vì thế, chuyên gia truyền thông thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới chất lượng giáo dục của nhà trường, bên cạnh việc tư vấn cho ban giám hiệu nhà trường, họ sẽ là người giúp các giảng viên ý thức và hiểu rõ mối liên kết giữa các kỹ năng kiến thức thông tin cần có và mục tiêu học tập cần đạt được trên cơ sở chương trình đào tạo đã có.

Tính chủ động của chuyên gia truyền thông thư viện trường học

Chúng ta vẫn quen với lối suy nghĩ cán bộ thư viện trường học là người trông coi và phục vụ tài nguyên, dịch vụ của thư viện, tuy nhiên, với vai trò mới là chuyên gia truyền thông, suy nghĩ đó không còn chính xác. Trước hết, chuyên gia truyền thông là những người quản lý việc khai thác, sử dụng tất cả các tài nguyên thông tin đặc biệt là thông tin đa phương tiện trong trong thư viện. Họ chính là người quản lý tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ thông tin hiện đại phù hợp cho cộng đồng học sinh, giáo viên và cán bộ trong trường. Tính chủ động của những cán bộ này thể hiện ở khả năng đoán biết các nhu cầu thông tin và dịch vụ thông tin cần thiết của người dùng tin và xúc tiến việc cung cấp các dịch vụ đó đến người dùng. Bên cạnh đó, họ còn chủ động và quyết tâm trong việc đưa ra các định hướng, chương trình cải thiện chất lượng dạy và học trong trường. Vai trò định hướng và đưa ra chương trình cải thiện chất lượng giáo dục quả là rất xa lạ so với trách nhiệm của cán bộ thư viện trước đây, nhưng nó được coi là một trong những động lực đối với chuyên gia truyền thông thư viện trường học nhằm thực hiện vai trò chủ động chiến lược trong việc kết hợp với lãnh đạo nhà trường và các giảng viên trong trường nhằm đem đến cho học sinh những chương trình đào tạo phù hợp nhất có thể. Đây là những chương trình được thiết kế nhằm tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin, xác định rõ nhu cầu đào tạo và phát triển về kỹ năng và kiến thức thông tin của học sinh và cán bộ trong trường. Bản chất các dịch vụ thông tin được đưa ra bởi các chuyên gia truyền thông là tích hợp các kỹ năng và kiến thức thông tin vào các môn học được giảng dạy theo chương trình đào tạo của trường và đem đến môi trường học tập tích cực, hiệu quả hơn (ALA/AASL, 2003)

Sự phối kết hợp giữa chuyên gia truyền thông thư viện trường học với các nhà quản lý, giáo viên sẽ tạo ra sự khác biệt trong cách triển khai các chương trình đào tạo và phương thức đào tạo.

Sự kết hợp giữa chuyên gia truyền thông thư viện trường học với các nhà lãnh đạo quản lý trong trường để cùng đưa ra chương trình đào tạo sao cho có sự phù hợp giữa các yếu tố: sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường; nhu cầu của xã hội; và năng lực của học sinh. Đây sẽ là cơ sở để chuyên gia truyền thông thư viện trường học làm việc cùng các giáo viên nhằm triển khai chương trình đào tạo và thực hiện phương pháp giảng dạy phù hợp với các dịch vụ đào tạo và các dịch vụ thông tin mà thư viện trường học cung cấp. Sự phối kết hợp này sẽ tác động đáng kể đến sự thay đổi trong việc dạy học trong trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp cận, tương tác, và khai thác thông tin, phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu (nếu có) thay vì thực trạng những hoạt động này xưa nay chủ yếu chỉ dựa vào tài liệu vật lý vốn đã rất nghèo nàn về số lượng cũng như chất lượng. Nội dung môn học sẽ được kết nối chặt chẽ với nguồn tài nguyên nói chung và các cơ sở dữ liệu nội bộ trong trường và trực tuyến trên mạng internet. Đây cũng chính là lý do tại sao nội dung môn học vì thế sẽ được điều chỉnh theo phương pháp khác đi so với trước đây. Cụ thể là việc kết hợp giữa việc trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng thông tin và ứng dụng kiến thức và các kỹ năng này trong việc học tập nói chung cũng như lĩnh hội nội dung các môn học nói riêng. Bên cạnh đó, CGTTTTVTH còn hỗ trợ, chỉ dẫn và định hướng giáo viên và học sinh trong việc sử dụng và khai thác CSDL trong và ngoài trường (Toor,R., Weisburg, H. K., 2007)

Sự phối kết hợp giữa chuyên gia truyền thông thư viện với học sinh

CGTTTTTVTH cần nắm được sở thích và nhu cầu của học sinh trong trường từ đó, có thể đưa ra dịch vụ và sản phẩm thư viện trường học phù hợp. Để làm tốt việc này, có rất nhiều các phương pháp mà CG cần thực hiện như tiếp xúc trực tiếp với học sinh thông qua việc phỏng vấn chọn mẫu trực tiếp, tổ chức họp mặt, giao lưu với học sinh để họ chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này; thực hiện các cuộc điều tra khảo sát; và có thể kêu gọi học sinh tham gia trực tiếp với tư cách là cộng tác viên, là cầu nối đại diện tích cực giữa thư viện và toàn bộ học sinh trong trường (Morris, 2004).

Những phương pháp trên nhằm hướng tới các mục tiêu cốt yếu sau cùng của các chuyên gia truyền thông, đó là: tư vấn chính xác cho những nhà quản lý, các giáo viên về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và nội dung giảng dạy sao cho phù hợp trên cơ sở học sinh là trung tâm của quá trình đào tạo; mặt khác trang bị cho học sinh kỹ năng và kiến thức thông tin cần thiết cùng với những dịch vụ, nguồn tài nguyên thông tin phù hợp cho quá trình học tập của họ.

3. Kết luận

Sẽ có những ý kiến cho rằng vị trí và vai trò của chuyên gia truyền thông tại thư viện trường học ở Việt Nam là khá xa vời khi thực trạng thư viện trường học của chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và thiếu những điều kiện thiết yếu. Tuy nhiên, việc ý thức về đặc điểm, vai trò, trách nhiệm của chuyên gia truyền thông thư viện trường học là cần thiết. Bởi một mặt, điều đó giúp chúng ta bắt kịp xu hướng nhận thức chung về thư viện trường học trên thế giới với bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, mặt khác, đây sẽ là tiền đề cho sự hình thành và phát triển vai trò chuyên gia truyền thông thư viện trường học tại Việt Nam trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu Tiếng Việt

  1. 5 tiêu chuẩn xây dựng thư viện trường học – Quyết định ngày 02/1/2003. Của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  2. Nguyễn Xuân Hòa. Cải tiến thư viện trường học với biên mục tại ngoại//Tạp chí Thư viện Việt Nam. Nguồn: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/cai-tien-thu-vien-truong-hoc-voi-bien-muc-tai-ngoai.html.
  3. Vũ Kiệt (2013). Để thư viện trường học cuốn hút học sinh. Nguồn: http://117.6.135.253/Default.aspx?TabId=ViewNews&NewsId=495&GroupNewsId=22&ParentGroupNewsId=
  4. Phạm Thị Thành Tâm. Vài nét về hệ thống thư viện trường học Việt Nam. Nguồn: http://huc.edu.vn/chi-tiet/1917/.html.
  5. Nguyễn Thanh Thủy. Tuyên ngôn của IFLA/UNESCO về thư viện trường học và thực trạng thư viện trường học ở Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học .- H., 2006
  6. Nguyễn Kim Phương. Công tác thư viện trường học năm học 2001 – 2002: Số liệu và bình luận // Sách giáo dục và thư viện trường học .- 2003 .- T.2, tr. 24-25
  7. Nguyễn Thanh Hằng. Hoạt động của thư viện trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội – Thực trạng và phương hướng phát triển: Đề tài nghiên cứu khoa học .- H.,2003
  8. Thư viện trường học phải là một cơ thể sống // Phát hành và Thư viện trường học .- Số 3 .- 2012.-Tr. 232-235.
  9. Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia – Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT
  10. Lê Văn Viết (2003). Xu hướng phát triển thư viện trường học ở các nước công nghiệp phát triển // Sách giáo dục và thư viện trường học .- 2003 .- T.1, tr. 25-26

Tài liệu Tiếng Anh

  1. American Library Association/American Association of School Librarians. (2003). ALA/AASL Standards for Initial programs for school library specialist preparation. Available at: http://www.ala.org/aasl/sites/ala.org.aasl/files/content/aasleducation/schoollibrary/ala-aasl_slms2003.pdf
  2. Morris, B. J. (2004). Administering the school library center, Libraries Unlimited.
  3. Toor,R., Weisburg, H. K. (2007). New on the job: a school library media specialist’s guide to success, Chicago : American Library Association.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây