10 dấu ấn của ngành giáo dục năm 2021

Thứ tư - 05/01/2022 23:05
GDVN- Năm 2021 là một năm có nhiều biến động nhưng ngành giáo dục và đào tạo đã nỗ lực vượt qua các khó khăn thử thách và có nhiều dấu ấn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ “tư lệnh ngành” và những phát ngôn ấn tượng

Ngày 8/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngay sau nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ quan điểm gây ấn tượng về "học thật, thi thật, nhân tài thật". Đây là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo thực hiện

1 1926
Ngày 8/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Thế Đại)

Theo người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, một thực tế xã hội rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là việc nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên bằng cấp mà chưa chú ý đến trình độ thực chất.

Nói cách khác, việc làm cho người học phải học thực, thi thực, thì một phần quan trọng lại nằm ở phía sử dụng sản phẩm đầu ra của giáo dục, đó là việc dùng người, tuyển người, đánh giá người. Nếu ở đâu đó tuyển người chỉ dựa trên giấy tờ, theo quan hệ và bị chi phối bởi các yếu tố không thực chất, thì người học sẽ có xu hướng chỉ lo sao cho đẹp hồ sơ, chuẩn các điều kiện, mà không lo phần thực chất.

Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng... thì khi đó học sinh trong nhà trường sẽ đua nhau mà học thật, thi thật. Dùng người chỉ căn cứ theo năng lực, theo phẩm chất thật, thì việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng. Trên nền tảng của việc học thực chất, người được dùng đúng theo năng lực, khi đó người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, khi đó tài năng thực sẽ nở rộ.

Học thật, thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng vì nền giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước, thì một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay hành động là tất cả cùng vì thực học!

Ngoài ra, tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giao nhiệm vụ, riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng trong dư luận xã hội vì đã “chạm” vào trăn trở của rất nhiều người. Bởi ai nấy đều nhận ra “tác dụng phụ” của cách dạy theo văn mẫu, bài mẫu, về lâu dài làm ảnh hưởng đến tư duy của học sinh, dẫn tới triệt tiêu sáng tạo của thầy và trò. Bởi chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt, thì câu chuyện chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu để mở cho sự sáng tạo của học sinh mới thu được kết quả tích cực.

Thời gian thầy – trò học trực tuyến dài chưa từng có trong lịch sử

Gần 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi; nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện đúng kế hoạch. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một khoảng thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang làm việc tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Trong giai đoạn khó khăn đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh; tất cả vì học sinh thân yêu.

Như vậy tính từ tháng 5/2021 (thời gian kết thúc của năm học cũ) thì đến nay học sinh ở nhiều địa phương trong đó có Thủ đô Hà Nội các em đã ở nhà, học trực tuyến kéo dài nhiều tháng liên tục, chưa từng có trong lịch sử.

Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh năm 2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với giáo dục và đào tạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 theo hai đợt thi: Đợt 1 từ ngày 06-9/7/2021; Đợt 2 từ ngày 05-07/8/2021, sau đợt 1 khoảng 01 tháng trên cơ sở đề xuất của 38 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và các địa phương có thí sinh chưa dự thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; được thực hiện tại nơi bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã được tổ chức thành công, đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công bằng và an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020, khẳng định Kỳ thi dần đi vào ổn định, ngày càng đúng với bản chất Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với điều kiện dạy học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có sự phân hóa phù hợp, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh. Kết quả thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng và làm căn cứ để các địa phương tham khảo, điều chỉnh các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Duy trì thành tích trong các kỳ thi Olympic

Báo cáo kết quả thi Olympic quốc tế hàng năm cho thấy, trong nhiều năm qua các đội tuyển quốc gia Việt Nam liên tục đạt thành tích xuất sắc và được nâng cao qua từng giai đoạn.

Kết quả thi Olympic quốc tế của các đội tuyển quốc gia Việt Nam xuất sắc ở tất cả các môn thi, từ Toán - môn thi Olympic truyền thống - đến các môn tiếp theo như Vật lí, Hoá học, Sinh học và Tin học.

Trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải ba - giải chính thức của Hội thi và 2 dự án đoạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
 

2 9295
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Lao động cho 19 học sinh có thành tích xuất sắc trong kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thành tích của các đội tuyển đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc trong học tập, rèn luyện của các em học sinh, giáo viên, các nhà trường, các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thi và cả các phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19; trong đó nhiều em đã vượt lên những khó khăn riêng của bản thân và gia đình để hoàn thành tốt kỳ thi.

Thành tựu đó cũng là kết quả của các chính sách, chiến lược phù hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong giáo dục năng khiếu nói chung; trong công tác tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi cho các kỳ thi Olympic quốc tế nói riêng, khuyến khích học sinh có thành tích trong việc tuyển sinh đại học.

Thành tựu này khẳng định sự đúng đắn của quan điểm chỉ đạo ''phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài'' của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Vị trí xếp hạng của các trường đại học tăng mạnh

Tháng 11/2021, Tạp chí U.S.News & World Reports của Mỹ công bố Bảng xếp hạng Các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities). Riêng Việt Nam, ngoài 4 trường đại học đã lọt vào bảng xếp hạng này năm ngoái, có thêm Trường Đại học Duy Tân được ghi danh năm nay, nâng tổng số các trường của nước ta được xếp hạng năm 2022 lên 5 trường.

Có 1.750 cơ sở giáo dục đại học trên toàn cầu được U.S. News & World Reports xếp hạng năm nay. So với năm ngoái, các trường đại học của Việt Nam đều tăng hạng đáng kể. Trong đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tăng 236 bậc (từ vị trí 623 năm 2021 lên vị trí 387 năm 2022); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tăng 84 bậc (từ vị trí 1.271 năm 2021 lên vị trí 1.187 năm 2022).

Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 11 bậc (từ vị trí 949 năm 2021 lên vị trí 938 năm 2022); riêng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giảm 93 bậc (từ vị trí 1.356 năm 2021 xuống vị trí 1.449 năm 2022).

Trường Đại học Duy Tân lần đầu có mặt trên bảng xếp hạng năm 2022 và có vị trí khá cao: 577.

Việt Nam có 28 nhà khoa học lọt top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới

Theo bảng xếp hạng được công bố ngày 20/10/2021, có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021.

Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của các giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis của Đại học Stanford của Hoa Kỳ nghiên cứu và công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ.

Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến tháng 8/2021 trong hơn 7 triệu nhà khoa học và lọc ra top 100.000 người có ảnh hưởng nhất. Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành). Bảng xếp hạng dựa trên nghiên cứu công cụ đo lường và đánh giá cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào các tiêu chí quan trọng như: chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính (tên đầu tiên - first author và tác giả liên hệ - corresponding author), và tác giả cuối cùng - last author.

Đặc biệt, theo thứ tự trong bảng xếp hạng năm 2021, Việt Nam có 5 nhà khoa học vào top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới gồm: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) - xếp hạng 5.949 thế giới; Phó giáo sư Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - xếp hạng 6.766; Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) - xếp hạng 6.818; Giáo sư Bùi Tiến Diệu (Trường Đại học Duy Tân) - xếp thứ 9.488; Giáo sư Võ Xuân Vinh (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) - xếp thứ 9.528.

Như vậy, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng và Phó giáo sư Lê Hoàng Sơn là 3 người lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế giới trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021.

Những kết quả đáng tự hào này một lần nữa tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam.

Nhiều chính sách đối với nhà giáo được tháo gỡ

Thời gian qua, nhiều giáo viên cảm thấy rất áp lực vì liên tục phải tham gia các lớp tập huấn, thực hiện chương trình tự học, tự bồi dưỡng, lại còn thêm gánh nặng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Đầu tháng 12/2021, tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc liên quan bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi và “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương, rà soát để sửa đổi các Thông tư số: 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong các trường tiểu học công lập, các trường trung học cơ sở công lập, các trường trung học phổ thông công lập cho phù hợp với các quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bảo vệ quyền lợi của giáo viên khi xếp, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm công bằng; không có sự chênh lệch quá lớn về chức trách, nhiệm vụ giữa các hạng chức danh nghề nghiệp, nhất là về tiêu chuẩn đạo đức”.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vào ngày 11/11, xung quanh chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, các loại chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có một số giải trình, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó có nêu:

"Mới đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức, trong đó đã quyết định cắt giảm 150 chứng chỉ cho đào tạo, bồi dưỡng, kể cả 2 chứng chỉ bắt buộc là tin học và ngoại ngữ là 152, trong đó có 61 chứng chỉ đối với công chức và 87 chứng chỉ đối với viên chức.

Tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau”.

Sau phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trên nghị trường Quốc hội cũng như và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về sửa đổi chùm Thông tư xếp lương giáo viên, rất nhiều thầy cô giáo đã cảm ơn Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo rất đúng về vấn đề trên nhất là về vấn đề bất cập, bất công của việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 trên.

Hi vọng với sự cầu thị, lắng nghe và quan tâm đến đội ngũ nhà giáo thì trong lần sửa đổi chùm Thông tư lần này sẽ điều chỉnh một cách tốt nhất, khi chuyển xếp lương công bằng nhất, sẽ không có giáo viên nào phải chịu thiệt thòi khi chuyển xếp lương từ lương cũ sang lương mới, đảm bảo nguyên tắc trả lương theo hiệu quả công việc, vị trí việc làm.

Những bất cập, bất công về chuyển hạng, chuyển xếp lương như các nhà giáo đã phản ánh sẽ có thể chấm dứt, không còn có việc hên, xui trong chuyển xếp lương…

Tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đảm bảo tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học và chủ đề tích hợp để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, trùng lặp, đảm bảo phù hợp với học sinh tiểu học, bước đầu triển khai cho thấy học sinh được học tập vừa sức, đáp ứng được phần nào kỳ vọng của gia đình, xã hội.

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước bắt tay vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.
 

4 7364 (1)
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước bắt tay vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13. (ảnh minh họa: Thùy Linh)

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều nơi chưa thể quay lại trường, phải học trực tuyến, học qua truyền hình, đối với các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp thực tế địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lần đầu đăng đàn trả lời trước Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV vào ngày 11/11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến các vấn đề về việc bảo đảm chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục – đào tạo, công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, bảo đảm công bằng trong dạy học, an toàn y tế trường học, tổ chức kỳ thi trung học phổ thông…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực: Học sinh căng thẳng, mệt mỏi; thầy cô cực nhọc và áp lực; phụ huynh bức xúc; xã hội lo lắng; những chuyện bi hài, cả những việc đau lòng đã diễn ra.

Theo Bộ trưởng, dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần xác lập, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi... nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn vẫn còn nguyên và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra là lâu dài và việc khắc phục không phải một sớm một chiều...

Ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có những điều nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn chưa đo đếm được, đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, cảm xúc... của học sinh.

“Trong sự chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, thật cảm động khi ngành giáo dục được cả nước chung sức, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các đoàn thể, các đối tượng rất quan tâm, chăm lo, chia sẻ, chung tay, hỗ trợ. Thay mặt cho trên 1,5 triệu giáo viên và người lao động cùng 25 triệu học sinh, sinh viên, tôi xin được trân trọng bày tỏ sự biết ơn với tất cả”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trước Quốc hội.

VEC 2021 mang chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”

Tháng 11/2021, Hội thảo Giáo dục Việt Nam (VEC) 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Xây dựng văn hoá học đường là cơ sở, là nền tảng để đạt mục tiêu đó; góp phần thực hiện sứ mạng, giá trị, mục tiêu giáo dục của nhà trường theo hướng chân - thiện - mỹ.
 

3 8952
Tháng 11/2021, Hội thảo Giáo dục Việt Nam (VEC) 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Văn hoá học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, xã hội; trong đó có giáo dục và đào tạo.

Tham luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Định hướng tiếp tục xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về văn hóa học đường; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh; các nhà trường thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử; đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sinh hoạt Đoàn, Đội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối phụ huynh với học sinh, thầy cô với nhà trường…

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, phân tích thực trạng văn hoá học đường, mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân và xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị cơ chế, chính sách xây dựng văn hoá học đường trong, ngoài nhà trường và trên môi trường mạng; đề xuất các giải pháp cụ thể với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, cơ sở giáo dục về xây dựng văn hóa học đường, khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy lùi bệnh thành tích, tôn vinh sự trung thực trong giáo dục, phấn đấu đạt mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

 

Tác giả bài viết: Linh Hương

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây