Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)https://flis.ussh.edu.vn/uploads/logo-new.png
Thứ tư - 05/01/2022 22:37
Năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, song ĐHQGHN xác định thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu các sự kiện và thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN trong năm vừa qua trên các lĩnh vực công tác.
CHÍNH PHỦ GIAO ĐHQGHN THỰC HIỆN NHIỀU NHIỆM VỤ LỚN CỦA ĐẤT NƯỚC
Ngày 28/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với tập thể lãnh đạo ĐHQGHN. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả mà các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên, học sinh của ĐHQGHN đã đạt được. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trên cơ sở kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, ĐHQGHN đã có đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học với tiềm năng rất lớn; có truyền thống lịch sử vẻ vang, đáng tự hào với nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từng học tập, rèn luyện tại đây. ĐHQGHN cũng nhận được tình cảm, sự tin cậy, ngưỡng mộ của nhân dân; sự ghi nhận trong các bảng đánh giá, xếp hạng quốc tế; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với việc dành khu đất hơn 1.000 ha để xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ĐHQGHN cần tập trung nguồn lực để tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho 3 khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn mới khi cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có cơ chế giải phóng tối đa nguồn lực con người để đội ngũ cán bộ phát huy, cống hiến nhiều hơn nữa; xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường, tăng cường hợp tác công tư. Thủ tướng cũng lưu ý cần triển khai Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao theo mô hình “5 trong 1” trong khu đô thị đại học này: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BỔ NHIỆM GIÁM ĐỐC VÀ PHÓ GIÁM ĐỐC ĐHQGHN
Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 998/QĐ-TTg bổ nhiệm GS.TS Lê Quân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN giữ chức vụ Giám đốc ĐHQGHN. Trong diễn văn nhậm chức, tân Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân thể hiện quyết tâm, nỗ lực chung tay cùng tập thể cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, học viên sau đại học xây dựng ĐHQGHN xứng đáng là đại học lớn, có vai trò tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, khẳng định vị thế cao trong và ngoài nước.
Trước đó tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng, nguyên Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 27/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2206/QĐ-TTg bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Hiệu - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQGHN.
SÔI ĐỘNG CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC PHÁT TRIỂN
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác trong nước của ĐHQGHN năm 2021 vẫn diễn ra sôi động, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu và vị thế của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam và khu vực. Các hoạt động hợp tác đa dạng về hình thức, với nhiều chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu hiệu quả, thể hiện thế mạnh và tiềm năng hợp tác của ĐHQGHN. Hoạt động tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có nhiều khởi sắc với 60 hội nghị, hội thảo do các đơn vị của ĐHQGHN phối hợp với đối tác quốc tế tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Trong năm 2021, ĐHQGHN đã ký kết 21 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cùng các hoạt động tư vấn, phản biện, khuyến nghị chính sách.
Năm 2021, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và ĐHQGHN phối hợp tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. Hội thảo nhằm mục tiêu nghiên cứu vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của cả khu vực và thế giới. “Diễn đàn Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng” do ĐHQGHN chủ trì trong khuôn khổ Hội thảo là không gian để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội và hoạch định chính sách cùng chia sẻ, đánh giá những thành tựu đạt được trong nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học thời gian qua và chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế cũng như xác định đường hướng phát triển của ngành Việt Nam học trong thời gian tới.
Nằm trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác giáo dục Australia tại ĐHQGHN, Chương trình tập huấn, đào tạo ngắn hạn dành cho giảng viên tiếng Anh xuất sắc khu vực Đông Nam Á được thực hiện bởi chuyên gia IELTS IDP đã thu hút 200 người tham gia, trong đó có 47 cán bộ, giảng viên ĐHQGHN. Hơn 100 học sinh và sinh viên ĐHQGHN tham gia tập huấn kỹ năng viết CV và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh; tham gia các khóa tập huấn gồm: Bí quyết đạt điểm IELTS tối đa – Chia sẻ từ chuyên gia IELTS; Nâng cao năng lực tiếng Anh toàn diện – Hiện thực hóa mục tiêu đại học và du học; Triển lãm Giáo dục Australia với sự tham gia của 22 trường đại học thuộc quốc gia này.
ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI TRONG QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC
Hoạt động chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ tại ĐHQGHN. Công tác quản lý trong ĐHQGHN hiện nay đang vận hành thông qua các phần mềm và cơ sở dữ liệu tiện lợi, liên thông. Việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, học tập cũng như xây dựng và phát triển kho học liệu số đang ngày càng được mở rộng giúp người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ĐHQGHN triển khai dạy - học trực tuyến cho người học hết học kỳ I, năm học 2021-2022.
Hoạt động khoa học - công nghệ cũng có bước chuyển mình bằng việc tích hợp công nghệ số vào các sản phẩm khoa học - công nghệ và các nhiệm vụ nghiên cứu, hướng tới hình thành sản phẩm có ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, góp phần thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm trong môi trường của nền kinh tế số. Cũng trong năm 2021, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách mới, quy định mới thúc đẩy các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tạo tiền đề cho sự phát triển của ĐHQGHN ở hiện tại và tương lai.
Ngày 27/12/2021, Giám đốc ĐHQGHN ký ban hành Quyết định số 4326/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên tại ĐHQGHN với nhiều điểm tiến bộ và hội nhập quốc tế. Thực hiện chính sách trọng dụng đối với các nhà khoa học trình độ cao, ĐHQGHN cũng giao Bệnh viện ĐHQGHN xây dựng chương trình tư vấn sức khỏe cá nhân và khám sức khỏe định kỳ tiêu chuẩn cao đối với các Giáo sư và Phó Giáo sư của ĐHQGHN. ĐHQGHN xây dựng và triển khai đề án “Đầu tư phát triển các ngành khoa học cơ bản” theo hướng ưu tiên đầu tư, nâng cao các ngành này theo cơ chế đề xuất của đơn vị hoặc do ĐHQGHN đặt hàng để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho đất nước, đội ngũ cán bộ nghiên cứu lí luận trình độ cao cho Đảng và các cơ quan trung ương. Để gia tăng các nguồn lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao phục vụ sự phát triển và hội nhập của đất nước, trong năm 2021, ĐHQGHN cũng đã phê duyệt đề án “Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”
Ngày 19/11/2021, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sĩ ở ĐHQGHN. Theo đó, ĐHQGHN hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu đồng/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Chính sách này hứa hẹn sẽ có tác động lớn, tạo đột phá trong nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng chủ trương mở rộng các chương trình, đối tượng đào tạo tài năng và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn được học tập tại ĐHQGHN. Mục đích của việc xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao là tìm kiếm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những sinh viên có năng lực học tập và nghiên cứu vượt trội, có năng lực sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm ngành nghề kỹ thuật – công nghệ. Các ngành kỹ thuật – công nghệ của ĐHQGHN bắt nhịp với xu thế mới, từ đó tăng nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN trong bối cảnh tự chủ đại học; phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới về nguồn lực chất lượng cao. Năm 2021, ĐHQGHN thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho một số đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN giai đoạn 2022-2025 theo kết quả phân loại tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là: Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế và Khoa Các khoa học liên ngành. Chủ trương này góp phần thúc đẩy tự chủ đại học đang diễn ra mạnh mẽ.
DỰ ÁN HÒA LẠC CHUYỂN MÌNH VÀ QUYẾT TÂM ĐƯA SINH VIÊN ĐẾN HỌC TẬP TẠI HÒA LẠC
Tổ hợp các tòa nhà HT1, HT2 thuộc Zone 4 của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, khu Ký túc xá số 4 của Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã sẵn sàng tiếp nhận theo quy mô thiết kế đảm bảo cho gần 4.000 sinh viên học tập và sinh sống. Việc xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đảm bảo tư duy thiết kế là một đô thị đại học thông minh, xanh, hiện đại và phát triển bền vững.
Bên cạnh việc nỗ lực giải phóng mặt bằng và hoạt động huy động nguồn lực, triển khai các dự án thành phần của Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Ban Giám đốc ĐHQGHN quyết định sẽ đón sinh viên đến học tập tại cơ sở Hòa Lạc vào tháng 9 năm 2022. ĐHQGHN ưu tiên cho nhóm sinh viên tuyển sinh mới vào năm 2022 ở một số lĩnh vực đào tạo về kỹ thuật - công nghệ, khoa học xã hội nhân văn và kinh tế - luật… theo mô hình A+B có sự phối hợp đào tạo liên ngành, liên đơn vị sẽ học tập tập chung tại cơ sở Hòa Lạc. Hiện nay, ĐHQGHN đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng khác để sinh viên được học tập và sinh sống trong môi trường đại học xanh, hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Cũng trong năm 2021, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Quyết định số 3333/QĐ-ĐHQGHN ngày 28/10/2021 về việc thành lập Ban Quản lý dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam – Tiểu Dự án ĐHQGHN”, gọi tắt là Ban Quản lý Dự án World Bank – quản lý dự án đầu tư xây dựng các cơ sở thiết yếu tại Hòa Lạc bằng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Thế giới World Bank. Tiếp đó, ngày 17/12/2021, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Quyết định số 4166/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Quy định về Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án World Bank.
GIA TĂNG TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, THÚC ĐẨY CHUYỂN GIAO THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU VÀO CUỘC SỐNG
Trong năm qua, tiềm lực KH&CN ở ĐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển, số lượng các công bố quốc tế không ngừng gia tăng với 1.100 bài báo ISI/Scopus, các phát minh, sáng chế và chuyển giao thành tựu nghiên cứu vào cuộc sống liên tục được đẩy mạnh. Hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã góp phần giải quyết hiệu quả các bài toán thực tiễn của xã hội đặt ra. Nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, sản phẩm KH&CN cũng được triển khai, tạo động lực thúc đẩy phát triển các tiềm lực KH&CN như: Quy định về sở hữu trí tuệ trong ĐHQGHN, Quy định về công nhận, quản lý và phát triển Phòng thí nghiệm trọng điểm, Trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN… Gắn kết sứ mệnh của ĐHQGHN với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ĐHQGHN tiếp tục thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước như: Chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Nhiệm vụ xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam, Trung tâm Tư liệu Việt Nam học, Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông…
Cũng trong năm 2021, có 04 công trình khoa học được tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ. Đây là giải thưởng nhằm khích lệ, tôn vinh những công trình hoặc cụm công trình của các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng môi trường học thuật thuận lợi, thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN, đồng thời khẳng định vị thế hàng đầu của ĐHQGHN trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức KH&CN của đất nước được tổ chức 3 năm/1 lần.
TĂNG CƯỜNG VỊ THẾ, TRÁCH NHIỆM QUỐC GIA
Ngày 15/9/2021, ĐHQGHN ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học. Đây là hệ thống hỗ trợ công tác dạy - học trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nói riêng và các địa phương cả nước nói chung.
Ngày 5/11/2021, ĐHQGHN ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp. Kênh được thành lập hướng tới tạo lập và phát triển nền tảng để thúc đẩy văn hóa chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam. ĐHQGHN cũng đã giao Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Hoạt động này thể hiện trách nhiệm của ĐHQGHN trong việc giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Với quyết tâm cao cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhà khoa học ĐHQGHN cũng đóng góp trí tuệ, tâm sức trong việc nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine mARN phản ứng nhanh với các biến chủng Covid-19; kỹ thuật mô hình hóa giúp sàng lọc ảo các hợp chất trên máy tính nhằm tìm kiếm các hợp chất hoặc các loại thuốc có tác dụng điều trị Covid-19 một cách hiệu quả. ĐHQGHN cũng đã tổ chức tọa đàm khoa học “Đề xuất giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới tại Việt Nam” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, trao đổi, bàn thảo đề xuất với Chính phủ các nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các giảng viên, bác sĩ và sinh viên Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN đã trực tiếp lên đường vào miền Nam chung tay hỗ trợ công tác thăm khám và điều trị các trường hợp mắc Covid-19; cán bộ, giảng viên và các nhà khoa học của ĐHQGHN tham gia Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
GIỮ VỮNG VỊ THẾ VÀ GIA TĂNG UY TÍN TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Theo kết quả xếp hạng QS WUR 2022, ĐHQGHN tiếp tục được xếp vào nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là lần thứ 4 liên tiếp ĐHQGHN đứng trong nhóm này. Mặc dù liên tục duy trì ở nhóm thứ hạng này trên bảng xếp hạng, nhưng điểm xếp hạng của ĐHQGHN ngày càng gia tăng. Cũng theo bảng xếp hạng này, ĐHQGHN xếp ở vị trí 147 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á năm 2022 – cùng thứ hạng đã đạt được ở QS AUR 2020 nhưng đã vươn lên top 21,4%. Trong năm 2021, ĐHQGHN tiếp tục có nhiều lĩnh vực được QS và THE xếp hạng thế giới như: Toán học; Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo; Khoa học máy tính và hệ thống thông tin; Vật lý & thiên văn học; Kinh doanh & nghiên cứu quản lý; Khoa học Tự nhiên; Kỹ thuật; Khoa học máy tính. Lĩnh vực Khoa học Xã hội lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng theo lĩnh vực của Tạp chí Times Higher Education năm 2022 và đứng trong nhóm 501-600 thế giới.
Mới đây nhất, Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities. Theo đó, ĐHQGHN có thứ hạng 938 thế giới, tăng 11 bậc so với kỳ xếp hạng trước đó. Cũng trong kỳ xếp hạng này, lĩnh vực Vật lý của ĐHQGHN tiếp tục được xếp hạng và ở vị trí 635 thế giới.
HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC ĐẠI HỌC ĐA NGÀNH, ĐA LĨNH VỰC VỚI MÔ HÌNH TRƯỜNG TRỰC THUỘC
Ngày 01/12/2021, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Quyết định số 3868/QĐ-ĐHQGHN thành lập Trường Quốc tế trên cơ sở tổ chức lại Khoa Quốc tế và Quyết định số 3869/QĐ-ĐHQGHN thành lập Trường Quản trị và Kinh doanh trên cơ sở tổ chức lại Khoa Quản trị và Kinh doanh. Việc thành lập Trường trên cơ sở điều chỉnh, sắp xếp phát triển các Khoa trực thuộc sẽ giúp ĐHQGHN sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực từ lợi thế của mô hình đại học cũng như tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực về nhân sự, tài chính từ bên ngoài; tiếp tục hoàn thiện mô hình đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên nền tảng phát triển các hạt nhân có năng lực thực hiện tốt các chính sách thí điểm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, liên kết và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có khả năng tự chủ về tài chính.Theo quyết định, Trường Quốc tế và Trường Quản trị và Kinh doanh là hai đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học; tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch; được tổ chức và hoạt động theo các quy định của pháp luật có liên quan, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trường do Giám đốc ĐHQGHN ban hành.
NHIỀU ĐƠN VỊ VÀ CÁ NHÂN ĐƯỢC VINH DANH
Năm 2021, một số đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống và chặng đường phát triển: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – tiền thân là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, kỷ niệm 65 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ 2 (1956 – 2021); Khoa Luật – ĐHQGHN kỷ niệm 45 năm truyền thống (1976 – 2021); Viện Trần Nhân Tông kỷ niệm 5 năm thành lập và phát triển. Năm nay, 02 công trình của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6 thông qua, đó là: Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của cố GS.TS Đinh Xuân Lâm và công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” của GS.TS Lê Văn Lân (bút danh Mã Giang Lân). Năm 2021, theo kết quả công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ về xếp hạng ảnh hưởng trích dẫn trong cộng đồng khoa học, 2 nhà khoa học của ĐHQGHN là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS. TS Lê Hoàng Sơn tiếp tục có tên trong danh sách 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất. Đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, xếp hạng 5.949 thế giới và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực Engineering, tiếp đến là PGS.TS Lê Hoàng Sơn xếp hạng 6.766. Cũng trong năm 2021, TS. Nguyễn Thị An Hằng - Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật môi trường, Trường ĐH Việt Nhật đã vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vì những thành tích nổi bật trong và ngoài nước.
Mới đây, ThS. Lê Hoàng Quỳnh – Giảng viên Trường ĐH Công nghệ vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021 ở lĩnh vực Công nghệ Thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa. Đây là giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Các học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế đã giành 01 huy chương Vàng, 04 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng. Đoàn học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng 05 Huân chương Lao động, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì những thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021.