Ussh và Facebook hợp tác đưa môn học Tư duy số vào trường đại học Việt Nam

Thứ tư - 05/05/2021 12:28
Từ ngày 16-19/12/2019, đoàn cán bộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN do Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Quang Minh dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Facebook Singapore - trụ sở của Facebook khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nội dung các buổi làm việc liên quan đến triển vọng hợp tác giữa hai bên nhằm xây dựng môn học/modul học phần về Tư duy số lần đầu tiên được triển khai trong các trường đại học ở Việt Nam.

Đoàn cán bộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN là khách mời của Facebook Singapore từ 16-19/12/2019

Đoàn cán bộ của Nhà trường đã nghe lãnh đạo các bộ phận của Facebook (FB) Singapore giới thiệu về những hoạt động FB tại thị trường Việt Nam; cách FB xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn cộng đồng cho người dùng; các chính sách và quy định xử lý thông tin thù ghét (hate speech) và thông tin sai lệch (misinformation) trên nền tảng FB.

Đoàn đã chia nhóm để đề xuất và thuyết trình các ý tưởng đưa Tư duy số vào trường đại học

Theo đó, trong 4 năm trở lại đây, có 03 quốc gia nổi lên mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Việt Nam. Facebook đã rót 12 tỷ đô la đầu tư vào các thị trường này. Đặc biệt, thị trường tại Việt Nam hiện phát triển rất mạnh với nhiều cơ hội. Nhưng khác với các quốc gia khác, đầu tư cho thông tin số ở Việt Nam tập trung chủ yếu cho các doanh nghiệp - đây là dấu hiệu tốt cho phát triển.

Cả đoàn đã có hai ngày làm việc liên tục không nghỉ nhưng cũng thu được nhiều kiến thức liên quan đến Năng lực số, Tư duy số - những phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho công dân số trên toàn cầu

Bên cạnh đó, Việt Nam có 97 triệu dân với đa số là dân số trẻ - ở ngưỡng tuổi 30. Chính phủ Việt Nam hiện đầu tư nhiều cho công nghệ và đội ngũ lập trình viên trẻ đang trên đà phát triển. 70% người tiêu dùng Việt Nam dùng internet để tìm kiếm thông tin về sản phẩm và tiêu dùng.

Phòng hội thảo của FB Singapore rộng rãi và bố trí tự do, linh hoạt về chỗ ngồi với bảng viết là các mặt tường bao quanh

Khảo sát về "Values of the internet" của FB nhằm đánh giá các yếu tố: kỹ năng tiếp cận Internet, điều kiện tiếp cận Internet, sự sẵn sàng tiếp cận Internet và quyền sử dụng Internet tại các quốc gia cho thấy: Việt Nam đứng thứ 44/100, trong đó tiêu chí về mức độ liên quan đến Internet đứng thứ 10/100, mức độ sẵn sàng tiếp cận Internet đứng thứ 24/100 nhưng năng lực thông tin số thì đứng thứ 63/100. Điều đó cho thấy khoảng trống thiếu hụt về kỹ năng hoạt động trong môi trường số của người dùng Việt Nam.

Nhóm 1 trình bày về xây dựng môn học Tư duy số trong trường đại học

Các lĩnh vực mà FB hiện đang tập trung phát triển là: Kinh tế số, An toàn mạng và Phát triển cộng đồng. Tại Việt Nam, FB triển khai hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, hướng tới trở thành những startup toàn cầu, đặc biệt là tập trung nâng cao quyền và vị thế của phụ nữ trong doanh nghiệp. FB cũng giúp 3.000 nhà viết code tại Việt Nam kết nối với khu vực, khuyến khích họ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các công ty phần mềm, doanh nghiệp lớn - tạo kết nối giữa các nhà viết phần mềm và doanh nghiệp.

Nhóm 2 đề xuất phương án tích hợp kiến thức về Tư duy số vào các môn học có sẵn

Trong lĩnh vực an toàn mạng, năm 2006, FB đã gỡ bỏ 2 tỷ tài khoản giả, gỡ 90 triệu hình ảnh phản cảm, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Thảo luận của nhóm 3 với chủ đề: extra-curricular activities

Trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, FB đã triển khai hoạt động hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương của Việt Nam, cán bộ quản lý sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách sử dụng và tiếp cận tiện ích của facebook; tổ chức hội thảo tại các tỉnh thành để hỗ trợ kỹ năng sử dụng facebook trong công việc... Năm 2019, FB triển khai chương trình “Việt Nam Social for good” với sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng để kêu gọi bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, lên án bạo lực gia đình... Năm 2020, nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, FB dự định triển khai chương trình “Facebook for Vietnam” với 05 nhánh nội dung chính: Safety - Communities - Innovation - Cities - Economics. Trong đó, chương trình “We think digital” - "Tư duy số" là một nội dung trong hoạt động phát triển cộng đồng của FB ở Việt Nam.

GS. Hiệu trưởng Phạm Quang Minh và GS. Vũ Minh Khương (Giáo sư của Đại học Quốc gia Singapore)

Đại diện FB cho biết chương trình "We think Digital" đã được triển khai tại các trường phổ thông tại Việt Nam, giúp đào tạo cho hơn 110.000 học sinh, hơn 1.000 giáo viên phổ thông và hiện tại họ đang tìm kiếm đối tác để đưa nội dung này vào trong các trường đại học. Đại diện FB mong muốn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN sẽ là một đối tác chiến lược trong việc xây dựng môn học Tư duy số và phát triển năng lực số trong cộng đồng. Đây là những kiến thức cần thiết mà FB cho rằng mình có trách nhiệm phải trang bị cho những người dùng trên nền tảng FB, bao gồm: những nguyên tắc hoạt động của Internet và FB; tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của "dấu chân số", "nhân dạng số"; nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn và nguy hiểm với người dùng trên FB; phân biệt sự khác nhau giữa cuộc sống ảo và thật; học cách bảo vệ an toàn thông tin trên mạng; học cách tương tác trách nhiệm và tôn trọng trong môi trường số; thực hành những cam kết tích cực khi tương tác online...

GS. Vũ Minh Khương đã chia sẻ với đoàn về những thách thức của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, những điều Việt Nam cần làm để hội nhập với thế giới

Đoàn cán bộ của Nhà trường đã thảo luận với đại diện FB và đề xuất 03 ý tưởng để đưa kiến thức về Tư duy số vào trường đại học. Một là xây dựng một môn học hoàn toàn mới về Tư duy số và giảng dạy cho sinh viên toàn trường. Hai là tích hợp nội dung Tư duy số vào một số môn học đã có sẵn tại các đơn vị đào tạo. Ba là lan toả kiến thức về Tư duy số thông qua các hoạt động phong trào, hoạt động xã hội của sinh viên, thanh niên và hoạt động Đoàn - Hội, tiến tới thành lập một câu lạc bộ sinh viên về chủ đề này.

GS Phạm Quang Minh tặng quà cảm ơn các thành viên của nhóm công tác Facebook Singapore

Nếu đạt được sự hợp tác trên và các đề xuất của Nhà trường được hiện thực hoá thì sinh viên Nhân văn sẽ có cơ hội được phổ cập những kiến thức căn bản, cần phải có để trở thành những công dân số an toàn và trách nhiệm trong thời đại toàn cầu; mở ra triển vọng hợp tác khác giữa Nhà trường với một công ty truyền thông xã hội và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến hàng đầu của thế giới trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, phát triển cộng đồng...

Đoàn cán bộ Nhà trường đã có một chuyến công tác rất thành công với nhiều trải nghiệm đáng nhớ ở một công ty mạng xã hội và truyền thông trực tuyến lớn nhất thế giới

      

Tác giả bài viết: Thanh Hà. Ảnh: Team Singapore

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây