.Đây là nội dung được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm khoa học “Nhân lực quản trị thông tin – Nhân tố của cách mạng công nghiệp 4.0” do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXHNV), Đại học Quốc gia Hà Nội và công ty TNHH Đầu tư Bảo Ninh (Bảo Ninh Investment) phối hợp tổ chức vào sáng 11/11/2017.
Trong buổi tọa đàm các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về bối cảnh, xu hướng và yêu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, đặc biệt tập trung làm rõ khái niệm Quản trị thông tin.
Cụ thể, ngành Quản trị thông tin, cần được hiểu chính xác không phải là một ngành khoa học kĩ thuật, khoa học máy tính, mà là một ngành khoa học xã hội mang tính ứng dụng cao, sử dụng phông lí thuyết của nhiều ngành khoa học: Xã hội học, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Khoa học quản lí, Thông tin thư viện, Khoa học dữ liệu, Chính trị học, Báo chí, Truyền thông…
|
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lí nhà nước cũng nhấn mạnh việc nhiều trường đại học trên thế giới đã đưa vào giảng dạy ngành quản trị thông tin, vì vậy việc mở mã ngành đạo tạo quản trị thông tin là hết sức cần thiết. Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi, đưa ra những số liệu, báo cáo nghiên cứu về thị trường lao động, khung năng lực cốt lõi dành cho nhân sự quản trị thông tin. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo và định hướng đầu ra cho nhân lực mới xuất hiện này.
Trao đổi với báo chí về tính bức thiết phải xây dựng chuyên ngành đào tạo quản trị thông tin, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường ĐH KHXHNV cho biết: “Trong bối cảnh phát triển của xã hội ngày nay, sự bùng nổ của Công nghệ và Internet càng khiến cho nhu cầu quản trị thông tin hiệu quả trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một chương trình đào tạo chuyên ngành nào cho lĩnh vực quản trị thông tin, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.
Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị thông tin tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội theo mô hình xã hội hoá hợp tác với Bảo Ninh Investment dự kiến sẽ sử dụng cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó có 30% môn chuyên ngành sẽ được giảng dạy trực tiếp bằng ngoại ngữ. Khung chương trình, chuẩn đầu ra và phương án tuyển sinh sẽ được trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng Bảo Ninh Investment đề xuất lên Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới.
Mai Phương (Lao động thủ đô)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn